Từ đầu 2019 đến nay, cả nước ghi nhận trên 20.000 người mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2018. Số ca mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Cà Mau.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, nhấn mạnh trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt là trong các tháng 9,10,11.
Bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh tại các địa phương do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…
Bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh tại các địa phương
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh gây nhiều biến chứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
BSCKII Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM, cho biết: “Bệnh tay chân miệng có khả năng lan rất nhanh và rộng. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người này sang người khác qua các yếu tố sinh hoạt tập thể như ăn uống chung, tiếp xúc gần… khiến nguy cơ lây bệnh tăng, đặc biệt trong các đợt bùng phát bệnh”.
Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột Enterovirus và Coxcakieruses gây nên. Đặc biệt, Enterovirus 71 thường gây bệnh nặng.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Huệ cho biết dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm sốt có thể kéo dài 3-7 ngày tùy diễn biến của bệnh, kèm theo nổi các nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn.
Trẻ có nổi hồng ban, bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ bị tay chân miệng, cha mẹ hãy cẩn thận theo dõi, quan sát trẻ, đồng thời xin phép cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan.
Khi thấy có những dấu hiệu nặng của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu nặng của bệnh bao gồm trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng, không ăn uống được.
Tay chân miệng có nguy hiểm?
Virus gây bệnh tay chân miệng đa phần lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ tử vong nếu như không được điều trị sớm.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ không nên bôi các loại thuốc dân gian, không rõ nguồn gốc lên mụn nước hay vết lở loét của trẻ. Điều này có thể làm trẻ dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh trở nặng thêm.
Cha mẹ và bé phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày
Cách phòng bệnh tay chân miệng
Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, cả cha mẹ và bé phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày.
– Trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm,… phụ huynh hay người chăm trẻ phải rửa tay sạch sẽ.
– Cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…
– Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
– Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.
Hải An (T/h)