Điện than bị chối từ, điện mặt trời giá quá chát

Nhật lệ (t/h)|06/11/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những khó khăn đối với ngành điện, nhiệt điện than bị nhiều địa phương chối từ, trong khi điện gió, điện mặt trời lại đang có mức giá khá cao.

Từ nhiều góc độ, nhiệt điện than là câu chuyện năng lượng thời sự không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Thông qua các báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) hay những thông tin cập nhật về chính sách năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiệt điện than luôn được đề cập đến như một nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính cần được cắt giảm.

Các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).

Ảnh minh họa

Sau 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: Các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch. Nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đánh giá: ”Trong giai đoạn sắp tới, hầu như chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư nguồn điện khác, đặc biệt là các nguồn điện BOT hầu hết đều chậm”.

Một trong những khó khăn nội cộm được Bộ Công Thương đề cập là câu chuyện huy động vốn cho các dự án. Theo tính toán trong Quy hoạch VII điều chỉnh, mức vốn đầu tư bình quân hàng năm của ngành điện gần 7,6 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá điện của Việt Nam mới chỉ đảm bảo cho các đơn vị của EVN có mức lợi nhuận khiêm tốn, các doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng khó khăn về tài chính thì việc huy động vốn cho các dự án điện của các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn.

Còn đối với, Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,…). EVN đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định.

“Như vậy, EVN đang thực hiện chức năng thay nhà nước, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện”, Bộ Công Thương lưu ý.

Đáng chú ý, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.

Ngoài ra, cũng theo Bộ Công Thương, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu,… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh (phần lớn các tỉnh có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ), hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất.

Một vấn đề nổi cộm được Bộ Công Thương đề cập tới là, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thời gian tới, để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong phát triển năng lượng tái tạo, một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đề cập đó là tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện để tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…

Nhật lệ (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Điện than bị chối từ, điện mặt trời giá quá chát
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.