Đón phù sa mùa nước nổi

Phương Nhi (T/h)|18/09/2019 00:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa lũ về, bà con nông dân có cơ hội mưu sinh bằng nghề câu lưới, hái bông điên điển, mang phù sa vào đồng ruộng, cải tạo môi trường đất, hạn chế sâu bệnh

Đứng giữa cầu kênh Tứ Thường lộng gió, trước mắt chúng tôi là hai cánh đồng Thường Thới Hậu B và Thường Lạc của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã mênh mông nước. Những ngày giữa Tháng Chín, mực nước tiếp tục dâng cao. Những nơi đất gò, nước cũng đã qua khỏi gốc rạ. Ngay sau khi kết thúc vụ mùa, những người làm nông nơi đây nôn nao chờ lũ về. Khi ngành nông nghiệp huyện tiến hành “mở đồng” để lấy phù sa, bà con không khỏi vui mừng.

Nhiều cánh đồng huyện Hồng Ngự đã cho xả lũ đón phù sa

Anh Nguyễn Văn Anh, ngụ ấp 2, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự phấn khởi cho biết: “Có phù sa vào đồng làm cho đất mịn, giúp những vụ lúa tiếp theo đạt năng suất cao, lũ vào đồng là hợp với tự nhiên. Nhờ có lũ tràn đồng cũng đã hạn chế thấp nhất các loại sâu rầy, mầm bệnh, chuột, từ đó giảm đáng kể chi phí, nông dân chúng tôi rất mừng”.

Huyện Hồng Ngự là huyện đầu nguồn lũ, do đó cũng là địa phương xả lũ vào đồng lấy phù sa sớm nhất của tỉnh Đồng Tháp. Mùa lũ năm nay, trừ cánh đồng 2.600 ha đang canh tác lúa vụ ba của hai xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền, còn lại hơn 8.500 ha đất ruộng đều được ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho xả lũ vào đồng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Hồng Ngự Nguyễn Hoàng Nhung cho biết: “Việc xả lũ vào các cánh đồng là điều mong muốn của các hộ dân. Xả lũ sớm để vệ sinh đất ruộng, nhằm để đất nghỉ, tái tạo chất dinh dưỡng cho đất, hạn chế được nhiều loại dịch bệnh, chuột phá hại mùa màng, tạo thuận lợi cho nông dân trong canh tác ở những vụ mùa tới”.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc xả lũ lấy phù sa được người dân thống nhất cao. Trong điều kiện đê bao chắc chắn, các huyện, thị xã, thành phố vẫn có thể tiến hành xả lũ có kiểm soát nhằm lấy phù sa, tiêu diệt lúa rài, lúa chét, cắt đứt cầu nối sâu bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất, đồng thời giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.

Sở cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện việc xả lũ bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của một số hộ dân tự phát trong ô bao; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ cao, mưa lớn bảo vệ sản xuất như: kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, bọng, trạm bơm điện bị hư hỏng, rò rỉ, tu sửa máy bơm sẵn sàng tiêu úng và xây dựng phương án chủ động đối phó với tình huống thời tiết bất thường xảy ra.

Nhiều cánh đồng huyện Hồng Ngự đã cho xả lũ đón phù sa

Đối với những ô đê bao không xuống giống Thu Đông, xả lũ sau khi kết thúc vụ Hè Thu cần kiểm tra, theo dõi thường xuyên để bảo đảm không ảnh hưởng đến các ô đê bao có kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông. UBND xã, phường, thị trấn lấy ý kiến người dân về kế hoạch xả lũ, công khai thời gian xả lũ từng ô bao, tuyên truyền rộng rãi về thời gian và mực nước xả lũ để tránh xung đột về lợi ích tại những ô đê bao có sự hiện diện cùng lúc của lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, Sở vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước phù hợp, phục vụ sản xuất lúa Thu Đông 2019 và Đông Xuân 2019-2020. Dự kiến tổng diện tích xả lũ năm 2019 gần 90.200 ha, thời gian bơm, rút nước xuống giống vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 12-2019.

Phương Nhi (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đón phù sa mùa nước nổi