Đồng Nai khởi động Đề án Giảm thiểu khí carbon

Hoài Thu|08/07/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải 20%, năm 2035 giảm phát thải 45% và phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Sau gần nửa năm, Đề án Giảm thiểu khí carbon của tỉnh Đồng Nai đã được khởi động.

Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai, đơn vị chủ trì thực hiện đề án, cho biết nội dung chính của đề án đã được tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan, doanh nghiệp lớn và nhân dân trong tỉnh. Dự thảo kế hoạch thực hiện hợp phần 1 (Nghiên cứu thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh), đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Kế hoạch này là cơ sở triển khai thực hiện hợp phần 1, hợp phần đầu tiên trong 3 hợp phần của đề án.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai, ông Trần Trọng Toàn cho biết, thời gian qua, sở đã phối hợp với các đơn vị rà soát quy định liên quan đến giảm phát thải của 7 ngành nghề, lĩnh vực tỉnh ưu tiên ở hợp phần 1; lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương và dự toán kinh phí thực hiện hợp phần 1.

Cũng theo ông Toàn, hiện một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định giảm phát thải và định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhưng một số lĩnh vực như: giao thông, nông nghiệp, xây dựng chưa có quy định cụ thể. Các sở, ngành theo chức năng tham mưu UBND tỉnh hoặc kiến nghị Trung ương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về giảm phát thải của ngành mình.

img_7788.jpeg
Phát triển đô thị xanh là một trong 7 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên trong Đề án Giảm thiểu khí carbon. Ảnh minh họa: L.An

Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, ông Thái Thanh Phong cho hay, sở đã và đang triển khai thực hiện nhiều kế hoạch góp phần giảm phát thải như: sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; điều tra, thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm và đề xuất biện pháp giảm thiểu…

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, bước đầu việc triển khai Đề án Giảm thiểu khí carbon khá tốt. Theo Bí thư Tỉnh ủy, đây là nhiệm vụ mới, không phải một ngày, một bữa mà cần vừa làm, vừa học, giống như xây dựng nông thôn mới trước đây của tỉnh.

Theo ông Lĩnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là tất yếu. Đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm phát thải, các sở, ngành chuyên môn tiếp cận các quy định, quy chuẩn liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch thực hiện.

Đồng thời, Đồng Nai phải học tập kinh nghiệm từ các nước đi trước, công bố rộng rãi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị thực tiễn của đề án. Cùng với đó, xác định nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thực hiện các hợp phần. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên sâu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện pháp lý, cần thiết trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương để có cơ sở, nguồn vốn triển khai các nhiệm vụ của đề án; tìm kiếm nguồn tín dụng xanh hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ quan, địa phương tiên phong thực hiện.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức cho rằng, Đề án Giảm thiểu khí carbon là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiều năm tới. Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp cho các sở, ngành liên quan.

Trọng tâm, Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu UBND tỉnh kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai. Chủ trì làm việc với các doanh nghiệp hỗ trợ chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi xanh để cập nhật kiến thức, quy định đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai hợp phần 1, trong đó xác định công việc, tiến độ, thời gian và đơn vị chịu trách nhiệm để thuận lợi trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai đề án. Lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương, dự toán kinh phí thực hiện hợp phần 1 theo quy định. Mời gọi các nhà đầu tư, nghiên cứu lập đề án, dự án về tín chỉ carbon thương mại trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, lồng ghép với ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường cho từng đô thị; từng bước chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các đô thị phát triển một cách bền vững.

Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng Nai khởi động Đề án Giảm thiểu khí carbon