Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 29/6, ở khu vực Bắc và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Từ ngày 30/6, nắng nóng mở rộng ra vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ C.
Dự báo từ ngày 29/6, nắng nóng gia tăng ở các tỉnh miền Trung. Từ 30/6, khu vực này bước vào một đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt, kéo dài nhiều ngày với nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Các chuyên gia về Biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, đợt nắng nóng 38 - 39 độ C kéo dài từ 30/6-10/7/2023 dọc các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Định. Đợt nắng nóng này bắt đầu từ đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và lan dần tới các tỉnh Nam Trung Bộ. Nền nhiệt dao động từ 38 độ C - 39 độ C vào các buổi trưa sang chiều.
Nắng nóng chủ yếu tập trung ở vùng ven biển và các khu vực đô thị. Trong giai đoạn này cũng sẽ có các cơn mưa dông cục bộ vào các buổi chiều nhưng mưa dông chủ yếu xảy ra ở phía Tây các tỉnh/thành. Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa dông buổi chiều trong giai đoạn này. Điều đáng lo ngại là dự báo Trung Bộ vẫn rất hiếm mưa trong suốt tháng 7.