Quảng Ngãi: Nắng nóng kéo dài, nuôi trồng thủy sản gặp khó

Gia Hân|25/06/2023 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ mặn tăng cao khiến nuôi trồng thủy sản gặp khó, chủ yếu là tôm nước lợ và ốc hương bị nhiễm bệnh, hoặc chết do sốc nhiệt...

Những ngày qua, người nuôi tôm nước lợ, nuôi ốc hương ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi chật vật tìm cách chống nắng giảm nhiệt, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở thủy sản.

Tại vùng nuôi tôm nước lợ ở các xã Đức Minh, Đức Phong (Mộ Đức), các chủ hồ tiến hành hút chất thải tồn đọng phía dưới đáy hồ, liên tục theo dõi và xử lý những biến đổi về mực nước cũng như chất lượng nguồn nước, nhằm hạn chế tình trạng tôm bị sốc nhiệt.

nuoi-trong-thuy-san.jpg
Người nuôi ốc hương ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) tăng cường các biện pháp chăm sóc ốc trong điều kiện thời tiết nắng nóng

Ông Bùi Tấn Quốc, ở xã Đức Minh cho biết, nắng nóng kéo dài nên nước trong hồ dễ bị ô nhiễm, sinh nhiều rong khiến tôm phát triển không đồng đều, dễ mắc bệnh. Khó nhất là phải tính toán, cân đo đong đếm khẩu phần thức ăn cho tôm sao cho đủ cả chất và lượng, không để dư thừa lắng đọng thức ăn dưới đáy hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Tôi đã giảm khẩu phần thức ăn còn 70% so với bình thường và bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài nên tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, chậm phát triển.

Nhiều chủ hồ ở vùng 7, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) nóng lòng như ngồi trên đống lửa vì ốc hương biếng ăn do thời tiết nắng nóng. Phần lớn ốc hương ở khu vực này được thả từ 30 - 35 ngày, đang thời kỳ “dưỡng” nên rất mẫn cảm với môi trường. Do đó, ngoài việc kiểm soát khẩu phần thức ăn, các chủ hồ phải thường xuyên bơm kích nước, nhất là với những hồ thấp nhằm đảm bảo độ sâu tối thiểu 1,4m, để ổn định nhiệt độ và độ mặn của nước trong ao nuôi. Ông Nguyễn Tèo, ở phường Phổ Quang cho biết, khi nguồn điện không đảm bảo, máy bơm hoạt động lúc được lúc mất dẫn đến việc bơm kích nước thường xuyên bị gián đoạn, nhất là những lúc nắng gắt. Dù đã bố trí thêm quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ ô-xy nhưng có lúc nhiệt độ và độ mặn trong hồ tăng, rất dễ khiến ốc nhiễm bệnh, thậm chí chết do sốc nhiệt.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 550ha thủy sản nước lợ được thả nuôi, chủ yếu là tôm và ốc hương. Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng kéo dài, bên cạnh việc nỗ lực duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,4m trở lên, nhiều hộ nuôi ốc hương đã dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m nhằm hạn chế bức xạ mặt trời. Với những vùng nuôi không đảm bảo nguồn điện, chủ hồ sắm máy phát điện hoặc tạm dừng việc thả giống. Trong khi đó, một số chủ hồ tôm tiến hành thu hoạch, để vừa giãn mật độ, vừa giảm chi phí chăm sóc.

Theo ông Bùi Tấn Quốc, giá tôm hiện rất thấp, chỉ từ 65 - 70 nghìn đồng/kg đối với tôm có kích cỡ 110 - 120 con/kg, trong khi chi phí nuôi tăng cao, đối diện với nhiều rủi ro do nắng nóng và dịch bệnh. Việc thu hoạch dần sẽ giúp người nuôi giảm bớt phần nào thiệt hại.

Trước thực tế trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Thị Thu Đông cho biết, để giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra, chi cục đã phối hợp các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo các chủ hồ thực hiện các biện pháp “chống nắng” gắn với phòng ngừa dịch bệnh trên tôm và ốc hương, trong đó có việc quan trắc môi trường định kỳ. Qua đó, kịp thời đánh giá chất lượng nguồn nước cấp tại các vùng nuôi tôm nước lợ và ốc hương; tư vấn và hướng dẫn các chủ hồ một số biện pháp xử lý phù hợp với từng đối tượng và thực trạng nguồn nước.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 6 - 8 sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày liên tiếp, nhiệt độ cao nhất từ 37 - 39 độ C, có nơi từ 40 - 42 độ C. Vì vậy, Chi cục Thủy sản tỉnh đề nghị các chủ hồ nuôi tôm nước lợ và ốc hương cần phải duy trì mật độ nuôi phù hợp và cân đối khẩu phần ăn hợp lý tương ứng với kích cỡ, nhằm ổn định nguồn nước và ô-xy tầng đáy trong hồ. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường, nhất là vào sáng sớm... “Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện tôm bệnh, người nuôi cần chủ động khai báo với chính quyền cũng như cơ quan thú y ở địa phương để được hỗ trợ kịp thời. Các chủ hồ tuyệt đối không xả nước thải có tôm mắc bệnh hoặc nghi ngờ bệnh chưa xử lý theo hướng dẫn của ngành thú y ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh”, bà Đông khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nắng nóng kéo dài, nuôi trồng thủy sản gặp khó