Dự án 500 tỷ khắc phục sự cố sạt lở ở Hòa Bình: Cấp bách nhưng chậm tiến độ

Minh Trang|16/08/2023 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù được tỉnh Hòa Bình bố trí nguồn vốn để triển khai xây dựng kè khắc phục sự cố sạt lở, thế nhưng, dự án cấp bách này vẫn chưa được triển khai đúng tiến độ.

Cụ thể, ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở khiến 32 hộ dân phải ngay lập tức di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng con người, dự án khắc phục sạt lở khu vực tổ 15 (phường Đồng Tiến), tổ dân phố Ngọc 2 (phường Trung Minh) và đoạn cầu Hoà Bình 3 được tỉnh Hòa Bình phê duyệt thuộc nhóm “dự án cấp bách” với tổng kinh phí 499,817 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Trong đó, kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở là 316,8 tỷ đồng; chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án là 131,76 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm (từ 2020 - 2024), diện tích đất sử dụng 9,94ha.

Tháng 10/2021, dự án bắt đầu thi công. Thời điểm hiện tại, giá trị thi công đạt khoảng 110 tỷ đồng; tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến tháng 6/2022 đã tiến hành kiểm đếm tài sản, hoa màu trên đất và thực hiện hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng từ dự án…

ke-chong-sat-lo.jpg
Tuyến kè bờ phải sông Đà thuộc phường Đồng Tiến và phường Trung Minh (TP Hoà Bình) đang được thi công

Thế nhưng, gần 2 năm qua, dự án vẫn còn là công trường ngổn ngang: những ngôi nhà sạt lở vẫn nguyên hiện trạng, chưa được dỡ bỏ. Đơn vị thi công san gạt làm đường nội bộ dưới chân khu vực sạt lở sát mép sông Đà; lát mái kè, thi công cọc khoan nhồi, thả đá hộc tạo mái, thi công thảm đá, đúc cấu kiện…, khối lượng thi công tương đương khoảng 40% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại đó là thành phố chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhiều hộ dân đã di dời từ cuối năm 2018 vẫn quay trở lại khu vực cũ, yêu cầu được đền bù, hỗ trợ tiền đất chênh lệch (nơi cũ và nơi mới), hỗ trợ công trình, tài sản trên đất… dù đã ổn định ở nơi ở mới.

“Ban Quản lý dự án chỉ là đơn vị thi công. Trách nhiệm giải phóng mặt bằng, công tác đền bù là nhiệm vụ của UBND Thành phố. Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị thành phố phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có mặt bằng thi công. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ đợi”, ông Đinh Công Huynh, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho hay.

Cuối tháng 12/2020, TP Hòa Bình đã ra thông báo thu hồi đất đối với 246 hộ dân và đơn vị, trong đó có 158 hộ phải tái định cư, 88 hộ bị ảnh hưởng một phần. Đến tháng 5/2023, dự án buộc phải điều chỉnh thiết kế để giảm diện tích của các hộ bị thu hồi, từ 246 hộ xuống còn 108 hộ. Số hộ phải tái định cư từ 158 xuống còn 54 hộ.

“Khó khăn lớn nhất là chưa xây dựng được khu tái định cư riêng của dự án để di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới. Diện tích đất và tài sản trên đất nằm ngoài bìa đỏ được cấp của các hộ rất lớn; nhiều hộ không đồng ý để kiểm kê, kiểm đếm đo đạc vì chưa có khu tái định cư.

Ngoài ra, khu vực xây dựng dự án nằm sát Quốc lộ 6, các hộ bị ảnh hưởng phải di dời đa số là các hộ sản xuất kinh doanh nên người dân kiến nghị khu tái định cư nếu không được hơn thì cũng phải bằng nơi ở cũ. Điều này rất khó đáp ứng vì quỹ đất của thành phố rất khó bố trí”, ông Huynh cho biết.

Với các lý do nêu trên dẫn tới việc chưa bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu. Nhà thầu mới triển khai được hạng mục chân kè, các vị trí không vướng mặt bằng. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện dự án.

Bài liên quan
  • Nhiều nơi tại TP. Hòa Bình thiếu nước sinh hoạt
    Sáp nhập vào TP. Hòa Bình đã hơn 3 năm, nhưng tiến độ nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các phường, xã của huyện Kỳ Sơn (cũ) còn chậm. Nhiều nơi luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dự án 500 tỷ khắc phục sự cố sạt lở ở Hòa Bình: Cấp bách nhưng chậm tiến độ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.