Dự báo thời tiết Hà Nội những ngày đầu tháng 11

Hoàng Thơ |31/10/2024 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đầu tháng 11, hai đợt không khí lạnh liên tiếp tăng cường xuống nước ta, Hà Nội cùng nhiều khu vực trên cả nước đón mưa dông, thời tiết chuyển rét.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sáng ngày 31/10, Hà Nội không mưa; thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp nhất khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố 20-22 độ C, phía Nam 21-23 độ C, trung tâm 22-24 độ C.

Trưa và chiều nay, thành phố Hà Nội có nắng, nhiệt độ tăng, mức cao nhất 30-32 độ C.

Đầu tháng 11, hai đợt không khí lạnh liên tiếp tăng cường xuống. Chính vì thế, từ ngày 1 đến 3/11, thành phố Hà Nội nhiều mây, không mưa, gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3; nhiệt độ giảm tới ngưỡng rét về đêm và sáng.

Từ ngày 4 đến đêm 7/11, bộ phận không khí lạnh tiếp tục tăng cường với cường độ mạnh hơn, kết hợp với hội tụ gió trên cao. Trong khoảng thời gian này, thành phố Hà Nội nhiều mây, mưa rào, có nơi mưa to và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh; thời tiết chuyển rét từ ngày 5/11.

mua-ret.jpg
Những ngày đầu tháng 11, Hà Nội cùng nhiều khu vực trên cả nước đón mưa dông, thời tiết chuyển rét

Về thời tiết khu vực miền Trung, từ đêm qua và sáng sớm nay (31/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to; riêng khu vực Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa tính từ 19h ngày 30/10 đến 03h ngày 31/10 cục bộ có nơi trên 60mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 135mm, phường Hòa Hiệp Bắc (Đà Nẵng) 63.4mm,...

Dự báo, ngày 31/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục mưa vừa và dông, có nơi mưa to với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi cao hơn 90mm. Kết hợp điều tiết hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các tỉnh thuộc khu vực nêu trên tiếp tục đối diện nguy cơ cao xảy ra ngập úng vùng trũng thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc...

Về tình hình lũ lụt, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ứng phó với bão lũ, các tỉnh, thành phố miền Trung đã di dời 10.219 hộ dân với 30.407 người; trong đó, tỉnh Quảng Bình di dời 10.122 hộ dân với 30.117 người, tỉnh Quảng Trị di dời 97 hộ dân với 290 người...

Tính đến ngày 30/10, bão lũ đã khiến 3 người chết, mất tích tại Quảng Bình; 5 người bị thương tại tỉnh Quảng Trị (1 người), tỉnh Quảng Nam (4 người).

Cùng với đó, bão lũ còn làm cho 318 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái (tỉnh Quảng Trị 5, tỉnh Thừa Thiên - Huế 235, tỉnh Quảng Nam 18, thành phố Đà Nẵng 60); 34.201 ngôi nhà bị ngập; 787ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 1.253 con gia súc, 77.462 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.455ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, 145 vị trí đường giao thông và 20,2km kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 4 sự cố đê điều với tổng chiều dài các đoạn sạt lở khoảng 5.100m...

Các tỉnh, thành phố miền Trung hiện đang dồn lực khắc phục hậu quả bão lũ: Vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân ổn định đời sống... Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế (đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang còn lũ, ngập lụt) tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn để chủ động ứng phó...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dự báo thời tiết Hà Nội những ngày đầu tháng 11
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.