Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải bảo đảm đồng bộ thống nhất, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường"

Nguyên Lâm|29/03/2023 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các luật có liên quan, tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”.

Chiều 28/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về dự thảo luật.

Báo cáo tại phiên họp, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đã có hơn 11 triệu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tập hợp gửi tới Bộ. Dự thảo luật hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân có 16 chương, 242 điều. Trong đó, bổ sung mới 17 điều, bỏ 11 điều và tăng 1 mục so với dự thảo xin ý kiến nhân dân. Theo đó, có 15 nội dung lớn với 8 nhóm vấn đề được nhiều ý kiến góp ý tập trung như: Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai; địa giới hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

dat-dai.jpg
Cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào chiều ngày 28/3. Ảnh: VGP

Đáng chú ý, theo ông Chính, trong quá trình tiếp thu, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau như: thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính; các trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; hỗ trợ cho đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan tới 22 luật, nhiều văn bản pháp lý, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung nội dung thực hiện theo quy định của các luật hiện hành (Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư).

Để bảo đảm tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kiến nghị, đưa những nội dung, quy định mới vào các dự án luật đang được xây dựng, soạn thảo hoặc thực hiện 1 luật sửa nhiều luật đối với những luật chưa có kế hoạch bổ sung, sửa đổi.

Liên quan đến quy định về đất quốc phòng an ninh, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng, dự thảo luật chưa đề cập tới Nghị định 26 của Chính phủ về triển khai thi hành chi tiết Nghị quyết số 132 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tồn đọng trong quản lý sử dụng đất quốc phòng an ninh. Đây là nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay.

Ông Hùng đề nghị, trong phân loại đất cần có hướng tách đất quốc phòng an ninh thành loại đất riêng, độc lập với các nhóm đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp và những loại đất khác, để phù hợp với thực tiễn sử dụng và thẩm quyền sử dụng. Vì tỷ lệ chiếm tương đối lớn, có những khu vực trở thành khu đất vàng, đất trọng yếu.

Đề cập đến vấn đề người dân quan tâm là phương pháp định giá đất, đây là nút thắt trong thu hồi, bồi thường, tái định cư và vai trò của chính quyền cấp xã trong quản lý, sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, các quy định trong dự thảo luật về 2 vấn đề này đã được tiếp thu, hoàn thiện đầy đủ, khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bà Hà cũng đề nghị cần có đánh giá về bình đẳng giới khi triển khai Luật Đất đai (sửa đổi); chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nhiều tuổi khi chuyển đổi đất đai.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tổng hợp, thống kê số lượng ý kiến đóng góp, những nhóm vấn đề nổi bật các bộ, ngành, địa phương, nhân dân quan tâm; qua đó, cũng xem xét việc tổ chức, cách thức tổng hợp ý kiến góp.

luat-dat-dai.jpg
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tầm ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội

“Ngoài việc thể chế một số chủ trương, chính sách mới, phải tập trung tháo gỡ những vấn đề của Luật Đất đai 2013 cũng như khắc phục tình trạng giao thoa, chồng chéo, xung đột với các luật khác. Lưu ý Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa những quy định để tạo động lực khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo luật phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các luật có liên quan, tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị chuyên môn để “tham chiếu” vào từng điều, mục cụ thể trong dự thảo luật, bao quát đặc thù của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu một số ý kiến được nêu tại cuộc họp như: Quy định phân loại đất công, đất an ninh - quốc phòng kèm theo cơ chế, chính sách phù hợp để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nghiên cứu chính sách tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài nhằm huy động, thu hút các nhà đầu tư mà không ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, bảo đảm bình đẳng cho doanh nghiệp; cơ chế cho thuê đất, trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần; đánh giá tác động của các quy định mới trong dự thảo luật…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Phải bảo đảm đồng bộ thống nhất, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường"