Gia Lai: Huyện Phú Thiện giảm nghèo bền vững nhờ sử dụng tài nguyên nước hiệu quả

Minh Trang|26/10/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhờ sử dụng nguồn nước hiệu quả mà hàng nghìn hecta đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) trở thành những nương, rẫy xanh mướt, cho năng suất, sản lượng cao, người dân được cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Huyện Phú Thiện được xem là vựa lúa của tỉnh Gia Lai. Thương hiệu “Gạo Phú Thiện” hiện nay không những có mặt ở khắp các cửa hàng, siêu thị trên cả nước. Mùa này, trên cánh đồng lúa rộng mênh mông dọc huyện Phú Thiện trải một màu vàng óng, máy gặt đập liên tục, xe công nông chở đầy những bao lúa chắc nịch nhộn nhịp trên đường dẫn ra cánh đồng. Những mùa lúa bội thu là nhờ có nguồn nước dồi dào từ thủy lợi Ayun Hạ.

Cùng với quá trình chặn dòng tích nước công trình đại thủy nông Ayun Hạ, hệ thống kênh mương cũng được xây dựng, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng lên. Toàn huyện Phú Thiện có 183,232 km kênh mương, với 256 tuyến. Trong đó đã kiên cố hóa 97,25 km, chiếm 53,07%; cơ bản ổn định cho trên 13.000 ha (lúa nước 2 vụ)/29.000 ha.

tai-nguyen-nuoc.gif
Hồ Ayun Hạ

Ngoài thủy lợi Ayun Hạ, huyện Phú Thiện hiện còn có 16 công trình trạm bơm, phục vụ nước tưới cho 450 ha cây trồng các loại. Trên địa bàn huyện Phú Thiện có 26 tổ dịch vụ, 12 Hợp tác xã làm nhiệm vụ khai thác, điều tiết, vận hành và nạo vét các tuyến kênh mương.

Ông Bùi Văn Sáu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Vượng (huyện Phú Thiện) chia sẻ: Trước kia, gia đình ông có 1,5 ha đất trồng lúa rẫy, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết tự nhiên. Mỗi năm thu được 4-5 tấn/ha, nếu hạn hán thì xem như mất trắng.

“Nhờ có nguồn nước tưới từ thủy lợi Ayun Hạ, tôi đã canh tác ổn định lúa nước 2 vụ trên 1,2 ha; 3 sào còn lại tôi thả cá. Hiện nay, năng suất lúa đã tăng lên 16-17 tấn/ha cho 2 vụ và thu về 90 triệu đồng/năm từ ao cá. Kinh tế gia đình tôi đã khá hơn rất nhiều, có của để dành”, ông Sáu phấn khởi.

Thủy lợi Ayun Hạ đã mang nguồn nước tưới cho hàng nghìn diện tích khô khát, trở thành những cánh đồng lúa nước 2 vụ cho năng suất, chất lượng cao. Ông Lê Xuân Mạnh - Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) cho hay: Sau năm 1994, khi có công trình thủy lợi Ayun Hạ hoạt động, cùng với với hệ thống kênh mương, đưa nước về đồng ruộng, diện tích đất nông nghiệp tại xã Ayun Hạ đã tăng lên từ 180 ha (năm 1992) lên 800 ha (năm 2022). Người dân cũng chuyển từ trồng lúa rẫy 1 vụ, năng suất thấp sang trồng lúa nước 2 vụ, cho năng suất cao.

Theo ông Mạnh, năng suất lúa hiện nay đã tăng hơn gấp 3 lần so với trước kia. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Ayun Hạ đã tăng lên từ 12 triệu đồng/người/năm (năm 1992), lên 41 triệu đồng/người/năm (năm 2022); xã đang phấn đấu nâng mức này lên 51 triệu đồng/người/năm và xây dựng xã Ayun Hạ đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Ngoài tăng vụ, bà con đã chủ động chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, tận dụng khoảng trống giữa 2 vụ lúa để trồng cây rau hoa màu. Nhờ đó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Nguồn nước ổn định đã góp phần rất lớn giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

“Xã Ayun Hạ đã đề xuất UBND huyện Phú Thiện đầu tư thêm 3 trạm bơm và 30 km kênh dẫn để khơi thông nguồn nước, tăng diện tích lúa nước 2 vụ trên địa bàn xã thêm 400 ha. Ngoài ra, xã Ayun Hạ cũng đang hướng người dân phát triển vườn cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Mạnh thông tin.

Là địa phương hưởng lợi lớn từ thủy lợi Ayun Hạ, xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) có 1.306 ha cây trồng được đại thủy nông tưới mát quanh năm. Ông Nguyễn Văn Tỵ - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yeng nhận định: Thủy lợi Ayun Hạ là đại công trình đã thay đổi toàn diện cách thức sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Có nguồn nước, mở rộng diện tích gieo trồng là căn cơ để phát triển các loại máy móc, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.

“Toàn xã có 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều, từ nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế khó khăn đến cuộc sống ấm no nhờ cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thu nhập ngày càng phát triển, Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình trên 7%/năm”, ông Tỵ cho biết.

Có thể khẳng định, nguồn nước và việc sử dụng nước hiệu quả có vai trò quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế nhờ sản xuất nông nghiệp. Ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết: Trong giai đoạn 2016-2022, huyện Phú Thiện đã đầu tư 54 công trình/25,76 km, với tổng kinh phí là 33 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Huyện Phú Thiện giảm nghèo bền vững nhờ sử dụng tài nguyên nước hiệu quả