Giải pháp nào cho tái chế rác thải nhựa?

Minh Kiên|02/12/2023 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để quản lý rác thải nhựa và vi nhựa có hiệu quả, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan.

Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa (RTN) thải ra ngoài môi trường, nhưng chỉ có 27% trong số đó được tái chế.

Quá trình phân hủy của các loại rác thải nhựa theo thời gian bị phân rã thành mảnh nhựa, vi nhựa lẫn vào môi trường đất, nước, không khí... khiến cho con người ăn phải, đe dọa đến sức khỏe của con người. Riêng các loại rác thải nhựa xử lý bằng phương pháp đốt sinh ra các loại khí độc ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch..

rac-thai-nhua.jpg
Ảnh minh họa

Các sản phẩm từ nhựa có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ đem lại rất nhiều tiện ích cho đời sống con người. Nhưng lượng rác thải nhựa ngày càng tăng lên sẽ gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…Vì thế việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa ra khỏi cuộc sống là điều khó có thể thực hiện được. Thay vào đó, hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa và nâng cao khả năng xử lý, tái chế rác thải nhựa bằng những biện pháp sau:

Phân loại từ đầu nguồn để tái chế


Thói quen của nhiều người đó là vẫn để chung các loại rác thải với nhau thay vì phân loại rác thải ra từng loại riêng biệt trước khi bỏ. Vì vậy, mang đến nhiều khó khăn trong quá trình thu gom và xử lý như:

- Gây khó khăn cho nhân viên môi trường khi thu gom rác thải nhựa

- Gây tốn kém thêm thời gian cho việc phân loại rác trước khi xử lý.

- Làm rác thải nhựa bị lẫn, bị bẩn và có thể phải chôn hoặc đốt gây nên những tác động xấu đến môi trường.

Tái sử dụng đồ nhựa


Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường.

- Thay vì dùng một lần và vất đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa giúp bạn thỏa sức sáng tạo:

- Tái sử dụng đồ nhựa, chai nhựa làm đồ trang trí như: ống cắm bút, chậu hoa,…

- Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát,… Tuy nhiên lưu ý là những vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất,… tuyệt đối không nên tái sử dụng.

Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.

Thay thế túi nylon bằng túi giấy, túi vải tái sử dụng được nhiều lần


Sử dụng túi nylon để đựng đồ, đựng thực phẩm đã thành thói quen khó bỏ của đại bộ phận người dân. Túi nylon thường được làm từ nhựa PE và PP tái chế. Các nhà môi trường, khoa học gia đều cho rằng quá trình túi nylon phân hủy có thể mất từ 500 đến 1000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Dù đã phân huỷ và lẫn vào đất thì chất nhựa PE sẽ làm đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng... Nếu yêu môi trường hãy loại bỏ túi nylon bạn nhé. Cần thay vào đó sử dụng các loại thay thế như:

- Túi giấy

- Túi vải sử dụng nhiều lần

- Túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần

- Túi nylon tự huỷ, phân hủy sinh học

Hạn chế rác thải nhựa từ chính các hộ gia đình

Việc sử dụng các đồ vật dụng cụ gia đình bằng nhựa là rất phổ biến tại các hộ gia đình Việt. Đồ nhựa thường có giá thành rẻ, nhiều mẫu mã nên rất được lòng người. Hãy từ bỏ thói quen sử dụng đồ vật bằng nhựa trong nhà bếp và thay thế bằng những vật liệu thân thiện với môi trường khác. Trên thực tế, việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần có thể dễ dàng được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng như:

+ Người tiêu dùng thông minh ngày nay luôn ưu tiên các lựa chọn có lợi cho sức khỏe của bản thân bằng cách mua thực phẩm, đồ đựng trong hộp bã mía thay vì hộp, bao bì bằng nhựa.

+ Bạn có thể lựa chọn mua các cửa hàng, quán nước có sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như ly bã mía hoặc các vật dụng thay thế đồ dùng một lần có thể tái sử dụng như thủy tinh, inox,…

+ Bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi ra ngoài môi trường đặc biệt là rác thải nhựa vì chúng có vòng đời phân hủy có thể lên đến hàng ngàn năm. Và chủ động phân loại rác thải.

Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ uống sử dụng cốc nhựa ống hút 1 lần


Hiện nay, việc sử dụng thức ăn nhanh mang lại rất nhiều sự tiện lợi với những các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc, dĩa, thìa, hộp xốp, túi nylon, người dân có thể gặp bất cứ đâu, ở hàng nước, hàng chè, các quán cơm bình dân hoặc có thể tự mua trong siêu thị với giá rất rẻ. Hàng nghìn cốc nước mía, trà sữa hay cốc chè được bán ra mỗi ngày cũng là chừng ấy những chiếc cốc nhựa, ống hút và túi nylon bị vứt ra ngoài môi trường.

Việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện dụng mà ít ai quan tâm đến tác hại của nó. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ... túi nylon và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn là cách chung tay bảo vệ môi trường. Chúng ta hãy thay thế bằng bộ đồ thìa, muỗng, nĩa làm từ bã mía, việc này góp phần hạn chế rác thải nhựa, giữ gìn sự sống xanh của trái đất.

Thống kê cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nylon. Theo khảo sát của PV, tại Hà Nội, những quán cơm bình dân, cháo dinh dưỡng, thức ăn đường phố, siêu thị… tiêu thụ lượng lớn cốc, dĩa, thìa nhựa, hộp xốp, túi nylon mỗi ngày.

Xử lý rác thải nhựa đúng cách là ưu tiên hàng đầu hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế mỗi người hãy chung tay, thay đổi từ hôm nay để có một môi trường trong lành và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hạn chế tối đa việc đốt rác thải nhựa tại nhà


Việc người dân tự đốt rác thải nhựa, hoặc các điểm thu gom nhỏ lẻ vẫn xử lý rác bằng cách đốt mang đến rất nhiều nguy hại:

Trong chất thải nhựa có một hàm lượng lớn carbon và hidro, khi đốt sẽ tạo ra những chất độc nguy hiểm cho con người. Có thể gây ra bệnh: giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và thậm chí là ung thư.

Ngoài ra, những hợp chất hữu cơ bay hơi như VOCs, dioxin, furan có trong quá trình đốt rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí. Về lâu dài sẽ có khả năng gây ảnh hưởng tới tầng ozone.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng


Cách tốt nhất để có thể giải quyết chất thải nhựa là mọi người cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng các đồ nhựa đồng thời thực hiện nghiêm túc các hoạt động thu gom, phân loại rác thải nhựa, không xả chúng bừa bãi ra bên ngoài môi trường. Do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa là điều cần thiết. Tái sử dụng các loại chai lọ, sử dụng các dụng cụ ăn uống (bát, đũa, thìa, muỗng) bằng gỗ, sứ… hạn chế sử dụng túi nylon nếu không cần thiết, sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay chai nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, chủ động phân loại rác thải, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần.

Các đối tượng hướng đến bao gồm:

- Người tiêu dùng,

- Nhà bán lẻ/phân phối

- Nhà sản xuất túi nylon

Nội dung tuyên truyền gồm có:

- Tác hại của túi nylon đối với kinh tế- xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng;

- Định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, các loại túi sử dụng nhiều lần;

- Các biện pháp giảm sử dụng, tái sử dụng túi nylon trong đời sống hàng ngày;

- Ý nghĩa của phân loại và tái chế túi nylon.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho tái chế rác thải nhựa?