35-40% công trình nước sạch bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 117 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung với tổng công suất khai thác khoảng 42.743 m3/ngày đêm, đảm nhận nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 74.396 hộ dân (chiếm tỷ lệ 38,47%), có khoảng 108.693 hộ dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ (chiếm tỷ lệ 56,20%), khoảng 10.300 hộ dân chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng (chiếm tỷ lệ 5,33%).
Theo kết quả đánh giá bộ chỉ số nước sạch năm 2020, tổng số người dân nông thôn được sử dụng nước sạch của Quảng Bình là 97.075 hộ. Trong đó sử dụng từ công trình cấp nước tập trung là 63.949 hộ, chiếm 33,07. Với tỷ lệ 33,07% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung thì tỉnh Quảng Bình còn thấp hơn nhiều so với binh quân cả nước. Phần lớn các công trình đã được xây dựng từ lâu, dây chuyển công nghệ xử lý nước lạc hậu đã bị xuống cấp, hư hỏng vì thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai (lũ, bão, hạn hán, xâm nhập mặn….).
Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên hàng năm, có khoảng 35-40% công trình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đặc biệt, trong trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2020, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại khá nặng nề; có khoảng 50% các công trình cấp nước phải ngừng hoạt động trong thời gian mưa lũ.
Nước lũ lên cao người dân thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng
Trao đổi với PV, ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình cho biết: Quảng Bình là địa bàn thường xuyên xảy ra lũ lụt, hạn hán do thiên tai hàng năm. Mùa hè ở vùng sâu, vùng cao tình trạng khô hạn thiếu nước diễn ra liên tục; mùa mưa lượng mưa lớn gây ngập lụt; một số khu vực vùng biển xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn…Với đặc thù như vậy, nên vấn đề cung cấp nước sạch ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh còn có nhiều bất cập. Hiện tại vấn đề nước sạch nông thôn đang được Quảng Bình hết sức quan tâm và có nhiều trăn trở để có những giải pháp tốt nhất đảm bảo cho bà con được tiếp cận nguồn nước sạch mang tính lâu dài và bền vững.
Năm 2020 trận lụt lịch sử đã để lại nhiều thiệt hại cho các công trình cấp nước trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sạch cho bà con. Mưa lũ lớn và kéo dài nhiều ngày, các công trình cấp nước ở vùng ngập nước không thể bơm được vì mất điện; các công trình tự chảy, ống dẫn nước bị cuốn trôi hoặc bị vùi lấp… Đặc biệt, nhiều công trình cấp nước bị hư hỏng nặng, như: Công trình cấp nước cụm xã Tiến Hóa-Châu Hóa-Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) có nhiều đoạn đường ống bị gãy, bị lũ cuốn trôi; công trình cấp nước xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) bị ngập nước, cháy máy bơm; công trình cấp nước xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch) nằm đầu nguồn nước nên lượng rác thải do mưa lũ dồn làm tắc nghẽn các đường ống…
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình tích cực khắc phục sự cố sau lũ để sớm cung cấp nước sạch cho người dân
Mặc dù sau mưa lũ, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Quảng Bình bị thiệt hại lớn, hư hỏng nhiều công trình cấp nước…, tuy nhiên, với mong muốn người dân có được nguồn nước sạch kịp thời phục vụ đời sống, ngay sau khi nước rút, Trung tâm đã chỉ đạo các trạm cấp nước khẩn trương kiểm tra các công trình cấp nước, tập trung sửa chữa các thiết bị hư hỏng để đưa vào vận hành trở lại…Bên cạnh đó ngay trong và sau mưa lũ, khi các trạm cấp nước chưa khôi phục được sau sự cố, Trung tâm cũng đã kết nối hỗ trợ 17.000 chai nước lọc (loại 1,5 lít), 5.000 viên nén Aquatabs xử lý nước, 1.000kg phèn nhôm PAC, 300kg Cloramin B để xử lý nước cho người dân vùng lũ.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình tích cực khắc phục sự cố sau lũ để sớm cung cấp nước sạch cho người dân
Ông Nguyên cho biết thêm: Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết…, lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Trước mắt để giải quyết vấn đề này phía Trung tâm đã phối hợp với Sở Y tế cung cấp và hướng dẫn cho bà con khử trùng bằng viên nén lọc nước và hóa chất xử lý nước như Cloramin B hoặc Cloramin T, Aquatabs 67mg… Sau khi khắc phục sửa chữa các thiết bị, Trung tâm nhanh chóng đấu nối để cấp nước sạch cho bà con sử dụng.
Đảm bảo nguồn nước sạch bền vững cho người dân vùng lũ
Để đảm bảo tính lâu dài và bền vững trong việc cung cấp nước sạch cho người dân ở vùng nông thôn, ông Nguyên cho biết: Phía Trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT cũng như UBND tỉnh Quảng Bình trong việc khảo sát, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư mới các công trình cấp nước sạch. Đặc biệt tại các vùng còn thiếu nước, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, xa đô thị… về lâu dài nên đầu tư những hệ thống cấp nước liên vùng, liên xã để bà con thuận lợi trong việc tiếp cận và sử dụng.
Những vùng được xem là “rốn lũ” hàng năm của Quảng Bình như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa… là những địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Mỗi mùa mưa lũ, vấn đề nước sạch cho bà con lại trở thành vấn đề nan giải cần giải quyết cấp bách đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh cho người dân cũng như môi trường sống nói chung.
Sau khi lũ rút công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước sạch là hết sức cần thiết
Về vấn đề này ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết “An Thủy là xã vùng trũng, hàng năm đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt. Năm 2019 đường ống dẫn nước được đầu tư về địa phương từ nhà máy nước của Công ty cấp nước Quảng Bình đóng tại xã Liên Thủy. Tuy nhiên do đường ống xa, nước về đến các hộ dân yếu, thiếu. Bên cạnh đó nguồn nước tự nhiên ở đây bị nhiễm phèn, vì vậy bà con chủ yếu sử dụng nước mưa, xây dựng bể lắng lọc, bể chứa…Đặc thù địa bàn xã An Thủy, người dân sống chung với lũ từ bao đời nay nên họ có kinh nghiệm trong phòng chống lụt bão. Khi mưa to gió lớn, họ đã ý thức trong việc dự trữ nguồn nước sạch để sử dụng. Sau mưa lũ bà con tiến hành vệ sinh, thau rửa bể nước, giếng khơi, xử lý nước bằng các hóa chất theo hướng dẫn. Chúng tôi mong rằng sau này có dự án đầu tư xây dựng nhà máy hay trạm cấp nước sạch liên vùng để bà con An Thủy và vùng phụ cận thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt”
“Trong quá trình lũ, chúng tôi phải hướng dẫn bà con chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết nhất khi lũ lụt xảy ra như hoá chất, khử khuẩn, cung cấp nước sạch, tích trữ lương thực. Đồng thời trang bị một số kiến thức về phòng bệnh khi lũ lụt xảy ra. Sau lũ lụt chính quyền và bà con nhân dân phải áp dụng các biện pháp để xử lý nguồn nước, xử lý môi trường làm sao không bị nhiễm các loại bệnh liên quan”. Ông Quyết cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề nước sạch sau mưa lũ, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc điều hành Công ty CP cấp nước Quảng Bình cho biết: Công ty cổ phần cấp nước quảng Bình là doanh nghiệp điều hành cấp nước đô thị trên toàn tỉnh. Hiên nay phía Công ty đang vận hành và sử dụng 11 nhà máy, trạm cấp nước sinh hoạt đặt ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Trong thời gian tới Công ty đang có kế hoạch mở rộng ra các địa bàn phụ cận các xã vùng ven, hướng tới việc nhiều địa phương, nhiều bà con được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Về mùa mưa lũ, nguồn nước đầu vào các nhà máy, các trạm lẫn nhiều tạp chất, vì vậy trong kế hoạch cấp nước an toàn chúng tôi đã xây dựng các kịch bản cụ thể như sử dụng các loại hóa chất trợ lắng nhằm khắc phục chất lượng nguồn nước…Nước dâng nhưng cố gắng tối đa việc máy móc vẫn hoạt động bình thường. Trường hợp nước dâng quá cao, cắt điện… phải cố gắng xử lý ngay sau sự cố xảy ra để sớm vận hành cấp nước cho bà con.
Huyện Lệ Thủy, là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi lũ lụt thiên tai, chúng tôi đã đầu tư trạm cấp nước Kiến Giang đặt tại địa bàn xã Liên Thủy cung cấp cho vùng Thị trấn Kiến Giang và vùng phụ cận với công suất 1000m2/ngày đêm. Sau này Trạm được nâng cấp công suất lên tới 3500m2/ngày đêm. Tuy nhiên để đảm bảo việc mở rộng địa bàn, cải thiện chất lượng nguồn nước đầu vào, đặc biệt là khắc phục được các sự cố trong và sau lũ, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy nước sinh hoạt tại đập An Mã, thượng nguồn sông Kiến Giang với công suất lớn. Nếu như nhà máy này được đầu tư theo dự kiến thì những vướng mắc trong việc thiếu nước sạch và nước sạch sau lũ của bà con vùng Lệ Thủy sẽ sớm được giải quyết. Ông Dũng cho biết thêm.
Nước sạch sinh hoạt được xem vấn đề cực kỳ quan trọng trong đời sống hàng ngày, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây nên nhiều hệ lụy đến phát triển kinh tế – xã hội và sức khỏe người dân. Vì vậy để tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết các vấn đề tồn tại, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt trong và sau lũ ở tỉnh Quảng Bình là việc làm hết sức cần thiết. Để giải được bài toán này cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham mưu tích cực của ngành chức năng, sự ủng hộ của người dân bằng các giải pháp cụ thể, với mục tiêu đảm bảo cho bà con được tiếp cận nguồn nước sạch mang tính lâu dài và bền vững.
Ngọc Trâm – Minh Tâm