Giữ mãi màu xanh đại ngàn nơi biên giới

Hoàng Việt|03/08/2023 10:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những cánh rừng cổ thụ xanh bạt ngàn trải dài nơi biên giới Việt – Lào đang sinh sôi, phát triển. Đây là thành quả hàng chục năm của những người “máu thịt” với rừng, là minh chứng trước cộng đồng quốc tế về “rừng vàng” của Việt Nam.

Chứng chỉ quốc tế về rừng

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn), tiền thân là lâm trường Hương Sơn, được thành lập tháng 3 năm 1995, là doanh nghiệp 100% nhà nước, hoạt động trên địa bàn vùng biên giới, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Hiện nay, Công ty được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 19.867,36 ha rừng và đất lâm nghiệp (rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ 8.751,88 ha, rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất 10.968,98 ha, đất nông nghiệp khác 146,50 với 96% diện tích là rừng tự nhiên) nằm trên địa giới hành chính của các xã Sơn Tây, Sơn Kim I và Sơn Hồng, huyện Hương Sơn với hơn 28 km đường biên giới.

Năm 2014 Thủ Tướng Chính phủ có Quyết định số 2242/QĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên. Theo đó, mỗi ha rừng được nhà nước hỗ trợ 200 nghìn đồng, mục đích để các công ty lâm nghiệp sau khi đóng cửa rừng có một phần nguồn kinh phí để tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng. Đây là giai đoạn rất khó khăn của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp thuộc diện phải tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên nói riêng. Bởi không có nguồn thu để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

W_bao-ve-rung-3(1).jpg
Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn

Trước tình hình đó, Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn xác định việc quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ rừng sẽ mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy công ty phát triển theo hướng bền vững, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, tái tạo đến khai thác, chế biến lâm sản, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Vì vậy, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Để xây dựng FSC, công ty phải đối diện thách thức lớn nhất là vốn, bởi thời điểm này tài chính với họ là cả một vấn đề. Qua nhiều nỗ lực, công ty được kết nối được với tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Từ đây, FSC được xây dựng bởi sự hỗ trợ từ SNV (cả về chi phí và kỹ thuật) nên đã từng bước tiếp cận sâu hơn với các nguyên tắc và tiêu chí FSC.

Quý IV năm 2013, tổ chức SNV Việt Nam chính thức ký thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ về chi phí và kỹ thuật cho Công ty đánh giá cấp chứng chỉ gỗ có kiểm soát.

W_bao-ve-rung.jpg
Rừng đầu nguồn ở huyện Hương Sơn, giáp biên giới Việt - Lào phong phú, đa dạng về chủng loại, trữ lượng gỗ khá lớn

Sang năm 2014, khi Nhà nước ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên (tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên), tổ chức SNV hỗ trợ Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn từng bước chuyển sang quản lý rừng bền vững theo hướng thử nghiệm cấp chứng chỉ rừng cho các dịch vụ vụ hệ sinh thái.

Quá trình xây dựng, cán bộ, công nhân viên công ty được làm việc với các chuyên gia quốc tế, qua đó từng bước nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đến năm 2015 tổ chức GFA (đơn vị đánh giá và cấp chứng nhận quản lý rừng theo các tiêu chuẩn FSC - quản lý rừng theo hướng bền vững) về kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu và cấp chứng chỉ FSC.

Năm 2020, công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn nhận chứng chỉ hệ sinh thái toàn phần cho các dịch vụ hệ sinh thái bao gồm lưu giữ carbon bảo vệ đất, nước, chống xói mòn (GFA-FM/COC-002643). Có thể nói đây là bước ngoặt vinh quang nhất cho những người làm Lâm nghiệp, sau hàng chục năm gắn bó với rừng. Bởi ở Việt Nam, công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại thời điểm hiện tại được cấp chứng chỉ hệ sinh thái này.

Hiện, rừng do công ty quản lý thuộc nhóm rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, trữ lượng gỗ lớn. Với trữ lượng này, bể chứa carbon dioxide (CO2) đạt khoảng 4 triệu tấn, mỗi năm hấp thụ khoảng 150 nghìn tấn CO2.

Ông Trần Trung Anh, Trưởng phòng khoa học và hợp tác đầu tư công ty Lâm nghiệp Hương Sơn cho biết: “Nếu khai thác được hợp lý tiềm năng từ bán tín chỉ carbon rừng, chắc chắn rừng sẽ được quản lý bền vững, vốn rừng ngày càng được tăng lên góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và thế giới”.

Thành quả của hàng chục năm xây dựng, bảo vệ rừng theo quy định của Hội đồng quản lý rừng thế giới đã được chứng minh và khẳng định. Nhưng hơn thế nữa, Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn đã trồng mới được 500 ha phục hồi hơn 2.000 ha rừng tự nhiên, chuyển hóa rừng giống, bảo tồn nguồn gen quý hiếm 69 ha rừng lim xanh (qua công tác bảo vệ, bảo tồn rừng lim xanh, Công ty đã có những cây cổ thụ với đường kính lên đến 80 cm); 100 ha rừng sồi phảng, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn đất, giữ nước, chống lũ ống, lũ quét; Hơn 4000 ha diện tích cho các loại động vật quý hiếm như voi, vọc , sóc đỏ… sinh sống, phát triển.

Nhiệm vụ bảo vệ rừng là số một

Lãnh đạo công ty cho biết, hiện nay ngoài nhiệm vụ tập trung công tác quản lý rừng FCS thì nhiệm vụ số một và xương sống là bảo vệ rừng. Nếu không giữ được rừng thì mọi nhiệm vụ khác đều không thể làm.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện, xã, bộ đội biên phòng hỗ trợ. Trong 5 năm qua, tại công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn không xảy ra một trường hợp nào cháy rừng, chặt phá, xâm lấn rừng.

W_bao-ve-rung-2.jpg
Các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát rừng xanh

Hiện, công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn có 100 công nhân, lao động trong đó hơn 40 người làm công tác bảo vệ rừng. Tuy lương thấp. vất vả và chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhưng với những người làm công việc này, họ xem rừng như máu thịt mình vậy.

Anh Lưu Trọng Bằng nhân viên bảo vệ rừng cho biết: “Hiện anh và đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ bảo vệ hơn 60 ha lim xanh quý hiếm, trong đó nhiều cây cổ thụ có đường kính 150 đến 200 cm. Với gần 26 năm gắn bó với nghề, anh Lưu Trọng Bằng chia sẻ, công việc của lực lượng bảo vệ rừng khá vất vả, nguy hiểm. Do đây là khu vực biên giới, địa hình hiểm trở, nhiều khu vực chưa có đường đi chưa nói gì đến điện lưới hay sóng vô tuyến. Cuộc sống của họ phải tách biệt trong thâm sơn cùng cốc. Với họ, việc ăn ngủ giữa rừng sâu để canh gác rừng là chuyện thường ngày.

“Để có được ‘cơ ngơi’ như hôm nay, những người giữ rừng như chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Những thập niên 90 thế kỷ trước, thời điểm đó lâm tặc hoành hành, những cánh rừng vùng biên giới này bị băm nát, máu rừng chảy đêm ngày gần như cạn kiệt. Để ngăn chặn, giữ rừng, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng đã phải nỗ lực chiến đấu ròng rã. Việc chạm trán với những đối tượng lâm tặc hết sức liều lĩnh và manh động là chuyện thường xuyên”, anh Bằng chia sẻ thêm.

Điều kiện sống, làm việc khó khăn, nguồn lương thấp, chậm nhưng những người giữ rừng vẫn không nản lòng, họ vẫn quyết tâm bám trụ với màu xanh nơi biên giới.

Lãnh đạo công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn cho biết, bây giờ người dân đã ý thức trong việc giữ rừng, tuy nhiên không thể lơ là nên công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân phải được triển khai thường xuyên.

Bên cạnh, những khó khăn, thách thức còn nhiều. Ngoài việc hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp còn nhiều chồng chéo, lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng. Mặc dù công ty được GFA cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các dịch vụ hệ sinh thái, nhưng vẫn chưa tiếp cận được thị trường để kinh doanh sản phẩm được cấp chứng chỉ. Như vậy nguồn thu từ kinh doanh các dịch vụ hệ sinh thái chưa có, công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC trong giai đoạn tiếp theo.

W_bao-ve-rung-1.jpg
“Báu vật” giữa đại ngàn

Từ thực trạng trên, Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương sơn đã có hoạch định chiến lược, tầm nhìn để tồn tại và phát triển. Đó là: Xây dựng bộ máy quản lý rừng có đủ năng lực về chuyên môn, có niềm đam mê với nghề rừng và có ý thức trách nhiệm đối với công việc; Thường xuyên duy trì mối quan hệ tốt đối với các tổ chức đã, đang hỗ trợ và đồng hành với đơn vị; Không ngừng tìm kiếm các đối tác, để từng bước hỗ trợ đơn vị trong công tác quảng cáo và thu hút vốn đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án tạo sinh kế giảm áp lực đối với rừng tự nhiên. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả cao các nguồn vốn đầu tư; Có cơ chế báo cáo bằng hình ảnh, cập nhật nhiệm vụ đã làm được công khai lên hệ thống internet để minh chứng cho những việc đã làm được, những việc chưa làm được; Bám sát chính sách, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham vấn của các bên liên quan; Nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn FSC, hài hòa lợi ích giữa các tổ chức và cộng đồng cư dân địa phương.

Bên cạnh đó, việc tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng thông qua các dự án đầu tư trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên; trồng cây bản địa để bảo vệ hành lang ven suối... được chú trọng. Từ đó giảm được áp lực đối với rừng tự nhiên, hạn chế tối đa việc xâm lấn, xâm hại rừng, góp phần bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng.

Về Hương Sơn giữa những ngày nắng nóng trên 42 độ C, chúng tôi đến thăm những cánh rừng nơi biên giới do Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý. Một không khí trong lành, mát mẻ, cảm giác như mọi muộn phiền mỏi mệt đều tan biến. Thật cảm động và biết ơn những người giữ mãi màu xanh nơi đại ngàn biên giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giữ mãi màu xanh đại ngàn nơi biên giới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.