[Góc nhìn tuần qua]: Hiểm họa cháy nổ những ngày cuối năm

Ban Biên tập Moitruong.net.vn|30/11/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những tháng cận kề Tết Nguyên đán, thời tiết thường hanh khô, cũng là thời điểm các cơ sở, hộ kinh doanh tích trữ hàng hóa phục vụ Tết khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao.

[Góc nhìn tuần qua]: Hiểm họa cháy nổ những ngày cuối năm

Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 3.193 vụ cháy, nổ, làm 85 người chết và 87 người bị thương, thiệt hại ước tính 217,4 tỷ đồng. Càng vào những thời điểm cuối năm càng là khoảng thời gian các cơ sở bước vào cao điểm sản xuất, hộ kinh doanh, tiểu thương chợ dân sinh tập trung khối lượng lớn hàng hóa để phục vụ thị trường Tết, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các vụ hỏa hoạn, buộc mỗi người dân, chủ cơ sở sản xuất phải nâng cao ý thức đề phòng cháy nổ, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của bản thân.

Điển hình ngày 15/11, tại thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy. Một vụ xảy ra vào khoảng 16h, vụ cháy xảy ra tại khu vực xưởng sản xuất Công ty TNHH bao bì Việt Thắng, ở xã Đông La, huyện Hoài Đức. Tiếp đó, khoảng 17 giờ cùng ngày, hỏa hoạn lại xảy ra ở khu vực nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở làng nghề Chàng Sơn 1, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất). Rất may, cả hai vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng, may mắn không phải lần nào cũng sẽ xuất hiện.

Tiếp đến, sáng ngày 28/11, một căn nhà 3 tầng tại số 101 đường Phương Sài - sát chợ Phương Sài (thuộc phường Phương Sài, TP Nha Trang) bất ngờ bốc cháy dữ dội, cướp đi sinh mạng của 4 thành viên của gia đình trong đó có 2 cháu nhỏ. Nơi xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mai táng, trong đó có nhiều loại vật liệu dễ bắt lửa, dễ cháy.

Theo số liệu điều tra, các vụ cháy ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong đó nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu phát xuất từ việc người dân chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng các thiết bị điện, sản xuất kinh doanh hàng dễ cháy trong gia đình nhưng không đảm bảo tuân thủ các điều kiện an toàn về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Từ đó làm phát sinh các sự cố cháy nổ, và vì không phát hiện kịp thời nên dẫn đến cháy lan trên diện rộng.

Không ai muốn mình là nạn nhân nhưng đôi khi rủi ro lại đến từ những điều ít ai ngờ tới. Trong số các vụ cháy ở nhà dân, nguyên nhân khiến các nạn nhân đa phần lại đến từ lồng sắt, chuồng cọp… dù mục đích của nó là để chống trộm.

Nhà ở kết hợp kinh doanh là một trong những hình thức hoạt động kinh doanh kết hợp phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh đang là vấn đề đáng báo động về an toàn phòng cháy chữa cháy. Chủ đề này đã và đang trở thành mối quan tâm lớn đối với các chủ nhà và chính quyền địa phương. Nếu không có các giải pháp PCCC hiệu quả, nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ đối mặt với nguy cơ bị dừng hoạt động, gây ra những thiệt hại kinh tế và xã hội nghiêm trọng.

Việc xây dựng không theo tiêu chuẩn, thiếu các hệ thống cảnh báo và chữa cháy hiệu quả đã khiến nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh trở thành những “quả bom nổ chậm” trong lòng đô thị. Để đối phó với nguy cơ này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về PCCC tại các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh. Các biện pháp chế tài mạnh mẽ, bao gồm việc dừng hoạt động hoặc xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, là cần thiết để tạo ra áp lực buộc các chủ đầu tư và cư dân phải thực hiện đúng các quy định.

Bài liên quan
  • [VIDEO] Hà Nội ra khuyến cáo phòng chống cháy nổ
    Công an TP Hà Nội khuyến cáo các các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH. Người dân không lơ là cảnh giác và thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua]: Hiểm họa cháy nổ những ngày cuối năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.