[Góc nhìn tuần qua]: Nắng nóng kéo dài tại miền Trung gia tăng nguy cơ cháy rừng

Ban Biên tập Moitruong.net.vn|24/08/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù trạng thái khí quyển đang dần chuyển sang pha lạnh La Nina nhưng nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có cả Việt Nam lại đang đối mặt với nắng nóng gay gắt kéo dài, thậm chí nóng kỷ lục. Nguy cơ cháy rừng tại khu vực miền Trung Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm của năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 8 này.

Góc nhìn tuần qua: Nắng nóng kéo dài tại miền Trung gia tăng nguy cơ cháy rừng

Theo thống kê từ Cục Kiểm lâm, từ đầu tháng 7 đến nay, khu vực Trung bộ đã xảy ra 56 vụ cháy rừng, chiếm gần một nửa số vụ cháy từ đầu năm. Nắng nóng kéo dài và độ ẩm thấp đang làm cho thảm thực bì trong các cánh rừng trở nên khô nỏ. Lớp thực bì dày và khô ráo hiện đang tạo ra nguy cơ cháy rất cao. Cục Kiểm lâm cảnh báo có 73 điểm nguy cơ cháy rừng cấp 4, tức cấp nguy hiểm, tập trung chủ yếu ở các khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Cháy rừng xảy ra do tác động của nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, để phòng chống cháy rừng giữa lúc thời tiết khắc nghiệt như hiện nay thì công tác tuyên tuyền là rất cần thiết. Xác định tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm trú trọng vào công tác này để người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng lửa trong thời kỳ thời tiết nhiệt độ cao, nắng nóng, khô hanh, gió thổi mạnh.

Mặc dù số liệu thống kê về tài nguyên rừng cho thấy những năm gần đây diện tích rừng tăng lên, nhưng chất lượng rừng lại có chiều hướng suy giảm. Rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7%, trong khi rừng thứ sinh nghèo chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trong cả nước, đây là loại rừng rất dễ xảy ra cháy.

Hiện Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng đặc sản….cùng với diện tích rừng dễ xảy ra cháy tăng thêm hàng năm, tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường ở Việt Nam đang làm nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng gắn với môi trường sống của người dân, gắn những giá trị của rừng với cuộc sống của người dân được xem là một biện pháp thiết thực nhằm giúp người dân hiểu được giá trị của rừng, biết làm giàu từ rừng, qua đó mà ý thức tự bảo vệ rừng dần dần được nâng lên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua]: Nắng nóng kéo dài tại miền Trung gia tăng nguy cơ cháy rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.