>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Để hạn chế dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường, những năm qua, các chủ trang trại, gia trại và người chăn nuôi trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn… góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hiện, trên địa bàn huyện có 3 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 79 trang trại với quy mô vừa và nhỏ, hơn 20 nghìn hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Các hộ chăn nuôi chủ yếu sử dụng hình thức xử lý chất thải như: Hầm khí sinh học (biogas), đệm lót sinh học và ủ phân để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, tại các xã, phần đa người nông dân chưa được tiếp cận các phương pháp xử lý chất thải theo hướng an toàn sinh học (ATSH), dẫn đến việc xử lý chất thải chăn nuôi hạn chế do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu. Mặt khác, một số hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo nên không có khả năng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định...
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND huyện Vị Xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH để góp phần bảo vệ môi trường. Mở lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng ATSH cho bà con nông dân, đồng thời, phân công cán bộ khuyến nông theo sát bà con nông dân, hướng dẫn cách xử lý chất thải đúng cách. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung xa khu dân cư, theo vùng quy hoạch. Nhờ vậy, người dân đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe vật nuôi thông qua việc xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas, đệm lót sinh học và ủ phân để xử lý môi trường chăn nuôi.
Được biết, mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Đỗ Chiến Thắng, tổ 10, thị trấn Vị Xuyên đã xây dựng chuồng trại kiên cố rộng 180m2. Hệ thống xử lý phân, nước thải của bò cũng được ông xây dựng theo quy trình khép kín theo ống nước thải xả thẳng vào hầm Bioga. Ông chia sẻ: “Trước đây, tôi chăn nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ. Năm 2012, được chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, vận động nên gia đình đã xây hầm Biogas, thể tích trên 50m3. Sau khi xây dựng hầm Bioga, chất thải trong chăn nuôi được đưa xuống hầm, nhờ vậy, tránh được ô nhiễm môi trường, vật nuôi không bị dịch bệnh, lớn nhanh hơn và gia đình lại có ga đun nấu.
Đặc biệt, người dân đã áp dụng quy trình xử lý chất thải từ chăn nuôi gia súc bằng cách ủ men vi sinh vào phân gia súc, gia cầm để bón cho hoa màu, vừa tiết kiệm được tiền mua phân hữu cơ vừa không để phân tươi thải ra môi trường gây ô nhiễm.