Thực tế hiện nay, chăn nuôi của thành phố Hà Nội còn nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục vấn đề này, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương, hộ chăn nuôi, trang trại triển khai nhiều giải pháp vừa giảm tình trạng ô nhiễm, vừa tạo thêm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu huyện Ba Vì, TP Hà Nội Nguyễn Danh Hưng, hiện nay, toàn xã Minh Châu có gần 5.000 con bò thịt, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình (2-5 con/hộ), nước xả thải trực tiếp ra cống rãnh thoát nước, chảy tập trung về các ao xen kẽ trong khu dân cư, ứ đọng, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.
Tại huyện Thanh Oai, bà Phạm Thị Cưa ở xã Phương Trung cho biết, gia đình bà có nghề nấu rượu. Để sử dụng bã rượu, bà nuôi 2-5 con lợn. Do quy mô nhỏ lẻ nên gia đình chưa thể xử lý tốt nước thải chuồng trại. Bà Phạm Thị Cưa cũng cho hay, theo tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, gia đình tin rằng sẽ xử lý triệt để tình trạng này trong thời gian tới.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố Hà Nội có khoảng 38 triệu con gia cầm, gần 1,5 triệu con lợn, hơn 163.000 con trâu, bò. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tính trung bình mỗi năm chăn nuôi thải ra môi trường hơn 3 triệu tấn chất thải rắn, riêng chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 422 triệu lít nước thải; hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn chất thải/năm, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nước...
“Không những thế, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của Hà Nội vẫn cao (chiếm 60%) nên việc xử lý ô nhiễm môi trường của trang trại chưa đúng quy trình; trên 50% chất thải chăn nuôi tại các hộ nuôi nhỏ lẻ không qua xử lý đang xả thải thẳng ra môi trường”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thời gian qua, rất nhiều trang trại đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng cho biết, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt lợn hữu cơ. Ngoài ra, các trang trại đã tận dụng chất thải trong chăn nuôi nuôi giun quế. Sản phẩm giun quế có thể làm thức ăn cho lợn, gia cầm... vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nhằm hỗ trợ các trang trại xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trung tâm đã phối hợp với các địa phương hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 41.000 hệ thống biogas theo chương trình sử dụng khí sinh học với công nghệ khác nhau như xây gạch và composite; 4 công trình xử lý công nghệ CDM sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần giảm bớt 80-90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí. Đã có hơn 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas phục vụ sinh hoạt (đun, nấu...), nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng cho trồng trọt.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để chăn nuôi Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học..
Cùng với đó, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua ứng dụng công nghệ sinh học như xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.