Hà Nội chi hơn 1.300 tỷ đồng khắc phục ô nhiễm làng nghề, có hết mối lo?

Ngọc Anh|22/10/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sở Công thương Hà Nội đã đưa ra kế hoạch đầu tư 11 trạm nước thải tại các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng.

Theo thông kê trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 26 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải; 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống.

Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2017-2020 có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), có 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Với hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao, việc xả thẳng nước thải khối lượng lớn tại các làng nghề ra môi trường đã khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) là một trong những làng nghề làm miến lâu đời ở Hà Nội. Miến Dương Liễu đã thành món ăn truyền thống đối với nhiều người dân cả nước, đồng thời mang lại thu nhập cao cho bà con làng nghề. Thế nhưng, đi đôi với sự phát triển là môi trường các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế đều trong tình trạng ô nhiễm nặng nề.

Một người dân sống tại xã Dương Liễu cho biết, quá trình sơ chế nguyên liệu (củ dong, sắn…), chất thải chưa qua xử lý được các hộ làm nghề xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư. Thậm chí do quá tải, chất thải ứ đọng lâu ngày đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân trong vùng.

“Do chỉ thu được 20% bột, nên cứ 100 tấn củ dong sau sơ chế, có tới 80 tấn đất, bã thải xả thẳng xuống cống rãnh. Mỗi ngày hàng trăm bã thải cứ thế trôi thẳng xuống kênh, xuống cống” – một người dân thôn Me Táo cho hay.

Hầu hết các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đều trong tình trạng ô nhiễm

Đại diện xã Dương Liễu cho biết, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, mời các hộ sản xuất ký cam kết. Tuy nhiên, các hộ không chấp hành. Với quy mô số lượng tới 1.000 tấn dong thải ra môi trường/ngày khiến ô nhiễm ngày càng trầm trọng, cử tri kiến nghị liên tục nhưng vẫn chưa có giải quyết triệt để.

Một giải pháp kiên quyết để giải quyết vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm là đưa các hộ sản xuất ra khỏi các cụm dân cư. Từ đầu năm 2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu với quy mô 12,05 ha theo hình thức đầu tư xây dựng mới. Với định hướng công nghiệp xanh, sạch; hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải: Chất thải công nghiệp, rác thải …

Chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu cho biết, khi hoàn thành cụm công nghiệp, đơn vị ưu tiên mời và ký hợp đồng trước với các sản xuất trong làng nghề truyền thống của địa phương, sau mới đến các doanh nghiệp bên ngoài. Hiện cụm công nghiệp đã ký hợp đồng thuê 100% với các nhà đầu tư thứ phát, một số chưa xây dựng do nhà đầu tư thứ phát đang làm thủ tục cấp sổ đỏ theo Nghị định 69 của Chính phủ.

Ông Phùng Bá Nhân – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng cụm công nghiệp Dương Liễu – giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung; đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở.

Riêng đối với dự án cụm công nghiệp Dương Liễu, dự án cơ bản đã lấp đầy trên 80%, nhà đầu tư đăng ký đã đạt 100%. “Điều kiện để triển khai giai đoạn 2 đã đầy đủ, hiện đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục quy hoạch bao gồm lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các sở ngành, trình UBND huyện phê duyệt”, ông Nhân thông tin.

Thời gian tới, thành phố tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng CCN làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.

Sở Công thương Hà Nội đã đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 – 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Ngọc Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chi hơn 1.300 tỷ đồng khắc phục ô nhiễm làng nghề, có hết mối lo?