Cơ cấu làng nghề tại Hà Nội được phân chia gồm: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 24 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 26 làng làm nghề dệt may; 9 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 54 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 6 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác: Gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc…
Các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao. Ảnh minh hoạ.
Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 – 2020 cho thấy, 139 làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%). Bên cạnh đó, 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%). Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường, với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào.
Báo cáo của Bộ TN&MT mới đây cũng cho thấy, số vi khuẩn Coliform trong nước thải làng nghề tại Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt, có nơi lên tới hàng trăm, ngàn lần. Với hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao, việc xả thẳng nước thải khối lượng lớn tại các làng nghề ra môi trường đã khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.
Mai Anh