Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn các xã Phú Nghĩa, Nam Phương Tiến, Tốt Động của huyện Chương Mỹ đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, tổng số gia cầm tiêu hủy là 11.706 con, tất cả đều được tiêu hủy kịp thời theo quy định.
Nhận định, thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do thời tiết vẫn diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn, trong đó, gia cầm thương phẩm chiếm tỷ lệ lớn (gần 60% tổng đàn gia cầm toàn thành phố), nhưng vòng nuôi gia cầm thương phẩm ngắn, dao động từ 50-60 ngày/lứa xuất bán. Do đó, tần suất 1 năm người dân nuôi trung bình 4-5 lứa/năm, nguy cơ dịch bệnh cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại cơ sở
Hà Nội cũng là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn từ các tỉnh khác về, giao thông nhiều tuyến đường quốc lộ, do vậy, việc kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.
Để phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, chỉ đạo hệ thống thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, phát hiện sớm, báo cáo và tham mưu xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi tự chủ động phòng dịch. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp đụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không để dịch bệnh xảy ra.
Hà Trang (T/h)