UBND TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng công an, thanh tra giao thông, lực lượng tự quản… tăng cường phối hợp với các lực lượng của Thành phố hướng dẫn, đảm bảo giao thông trong giờ cao điểm, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút tại các tuyến đường có công trình đang thi công.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng đang chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để thi công như: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng, đoạn Bưởi-Cầu Giấy, đường vành đai 1 Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái… có phương án giao thông hợp lý.
Ảnh minh họa
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải phải chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khảo sát thực tế để có giải pháp hợp lý, khoa học trong việc điều chỉnh lộ trình, luồng tuyến, tần xuất của các tuyến xe buýt; bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người lao động; Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo công khai trước khi thực hiện.
Đơn vị này cũng phải chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố và các phương án điều tiết giao thông để hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông có phương án lưu thông hợp lý. Thông báo số điện thoại đường dây nóng để nhân dân kịp thời phản ánh thông tin về tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông…
Thanh tra Giao thông Vận tải có nhiệm vụ bố trí lực lượng, phối hợp với cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng giám sát các đơn vị thi công trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Kiên quyết đình chỉ thi công đối với đơn vị, nhà thầu thi công không giấy phép, không thực hiện đúng phương án tổ chức thi công được phê duyệt.
UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu tăng chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách công cộng; Phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt từ 15-20% so với năm 2019; Tiếp tục kiềm chế giảm từ 5-10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2019.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông năm 2019 chuyển sang; xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để kéo giảm, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút…
Triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hoàn thành cải tạo, sửa chữa, lắp đặt mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 24 nút giao thông thuộc danh mục chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và 36 danh mục cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông năm 2020.
Minh Anh (t/h)