Hà Nội giảm chiếu sáng công cộng để tiết kiệm điện

Tuấn Kiệt|27/05/2023 10:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ giữa tháng 5, TP. Hà Nội đã điều chỉnh thời gian chiếu sáng công cộng, bật đèn muộn hơn 30 phút, tắt đèn sớm hơn 30 phút so với vận hành thông thường.

Tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có những sẻ chia, kiến nghị đảm bảo nguồn cung an ninh năng lượng, cụ thể tiết kiệm điện trong mùa cao điểm…

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngay từ đầu năm 2023 UBND TP Hà Nội sớm ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ trên địa bàn.

tiet-kiem-dien.png
Hà Nội giảm chiếu sáng công cộng để tiết kiệm điện

Đó là, phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đó nhiệm vụ tiết kiệm điện là ưu tiên hàng đầu.

Trong tháng 3 và 4 năm 2023, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức thành công chuỗi sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 với thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, trong 1 giờ tắt đèn thành phố đã tiết kiệm được 34.278 kWh tương ứng tỷ lệ 11,5% cả nước; tổ chức Hội nghị phát động cao điểm hè sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn với sự tham gia hưởng ứng của ngành điện và đông đảo người dân, doanh nghiệp Thủ đô.

Hiện hệ thống lưới điện 110kV của thành phố gồm 60 TBA/140MBA 110kV với tổng dung lượng công suất đặt là 8.698MVA, về cơ bản đáp ứng được cho yêu cầu sử dụng điện khi mà năm 2022 công suất sử dụng điện cực đại là 5.035MW.

“Dù chính quyền và ngành điện Thủ đô nỗ lực cho công tác đảm bảo điện dịp Hè, nhưng do đặc tính lưới điện chủ yếu phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài nên trong trường hợp thiếu nguồn trên lưới điện Quốc gia vẫn sẽ phải thực hiện tiết giảm phụ tải dẫn đến ngừng giảm cung cấp điện cục bộ tại một số nơi” – ông Nguyên Mạnh Quyền chỉ ra.

Đồng thời, do Hà Nội với dân số đứng thứ 2 toàn quốc, tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và đặc biệt gồm nhiều phụ tải điện quan trọng với yêu cầu cao nhất về đảm bảo cấp điện…

Ngành điện đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện với các đối tượng khách hàng sử dụng điện… Kết quả, theo báo cáo của EVNHANOI, sản lượng điện tiết kiệm được là 3.955.084 kWh; Quá trình triển khai các giải pháp vận hành cung ứng điện, EVN HANOI đã nhận được sự chung tay đồng hành của các cấp các ngành Thành phố và sự quan tâm phối hợp tích cực của các khách hàng sử dụng điện.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học tiết giảm điện được 133.756 kWh; doanh nghiệp sản xuất đã tiết giảm điện được 769.104kWh; hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị tiết giảm được 103.737 kWh; hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí tiết giảm điện được 44.013 kWh.

Tuy nhiên, việc ngừng giảm cung cấp điện đã dẫn đến những khó khăn nhất định cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân. Vì vậy, yêu cầu về sử dụng điện tiết kiệm đã trở nên cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Trước tình hình thực tế, ông Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị, đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN ưu tiên hơn nữa nguồn nhân vật lực, vốn đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện cho thành phố; xây dựng các phương án và giải pháp đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho Thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, hướng dẫn EVN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình điện mang tính chất liên kết, hỗ trợ cấp điện cho Thủ đô.

Thứ ba, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quy định mới hướng dẫn về giá điện mặt trời. Qua đó, tạo điều kiện nhằm thúc đẩy việc đầu tư và ứng dụng điện mặt trời mái nhà, kịp thời huy động các nguồn điện tại chỗ, có khả năng khai thác được ngay trên địa bàn Thành phố qua đó giảm bớt áp lực lên hệ thống truyền tải và phân phối điện Quốc gia.

Được biết, thời gian qua, trong các công viên, vườn hoa, tối đa không quá 50% số đèn được bật và tắt toàn bộ đèn sau 23h. Trên đường phố, trong ngõ xóm và khu vực ngoại thành, 1/3 số đèn cắt giảm ngay từ đầu giờ, sau 23h tiếp tục cắt thêm 1/3 số đèn nữa.

Ước tính, việc này đã giúp cắt giảm được 36% lượng điện tiêu thụ so với trước, tương đương với hơn 4 tỷ đồng mỗi tháng và vẫn đảm bảo chiếu sáng cho giao thông và an ninh trật tự.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội giảm chiếu sáng công cộng để tiết kiệm điện