Hà Nội hạn chế người dân ra đường khi bão số 3 đổ bộ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, hạn chế người dân ra đường khi bão số 3 đổ bộ.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão WIPHA), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu toàn thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân.
Công điện ban hành ngày 21/7 nêu rõ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 cùng ngày, tâm bão số 3 nằm trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Bão di chuyển nhanh, hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15–20km/h, sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Từ chiều tối 21/7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây gió mạnh, mưa lớn, tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt tại vùng trũng thấp, đô thị.

Trên địa bàn Hà Nội, dự kiến sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kéo dài đến sáng 24/7.
Sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
Chủ tịch UBND các phường, xã được yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão để thường xuyên thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố.
“Chủ động rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo.
Hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ
Ông Trần Sỹ Thanh cũng chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Cùng với đó, các địa phương cũng phải báo đến các chủ công trình chủ động gia cố, bảo vệ nhà xưởng, công trình hạ tầng (hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện,…) và có biện pháp khắc phục nhanh sự cố, duy trì hoạt động, không để gián đoạn trước, trong và sau bão
“Tổ chức thực hiện kiểm soát việc đi lại, phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, dông lốc trước bão; kiểm soát, hướng dẫn tại các ngầm, tràn, đường giao thông ngập sâu, nước chảy xiết, các tuyến đường bị sự cố hoặc có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện”, công điện nêu rõ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, hạ tầng giao thông, công trình đê điều; trong đó ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động phục vụ tiêu thoát, chống úng ngập.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN TP Hà Nội và các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.