Hà Nội: Khói mù mịt, nghi do tro bụi nhiệt điện bay về

An Nhiên (T/h)|17/12/2019 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một số nghiên cứu cho thấy các nhà máy điện than tập trung ở phía đông Hà Nội có thể là nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào ô nhiễm không khí của thủ đô.

Các chuyên gia cho biết ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ nhiều lĩnh vực và phần lớn đến từ các hoạt động bên ngoài Hà Nội. Ô nhiễm có thể tăng lên nếu không có thêm các biện pháp kiểm soát.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy, các nhà máy điện than ở quanh Hà Nội đang là một trong những nguồn gia tăng nhanh nhất đóng góp vào ô nhiễm không khí ở thủ đô. Điều này được thể hiện qua một số nghiên cứu và tính toán định lượng.

Ngày 17/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Các nhà máy nhiệt điện của EVN và các nhà máy nhiệt điện khác ở phía Bắc đều nằm ở khu vực phía Đông của thành phố Hà Nội với khoảng cách lớn từ 60-200km.

Do đó, EVN cho rằng việc ảnh hưởng các nhà máy nhiệt điện này tới Thủ đô chỉ trong điều kiện gió bất lợi, cụ thể như gió thổi từ hướng Đông, Đông Nam.

“Nhưng nếu với tốc độ gió mạnh thì gió Đông, Đông Nam cũng mang theo luồng không khí sạch từ biển vào, sẽ làm khả năng khuếch tán tốt và giảm tác động của luồng khí thải nhiệt điện bay từ hướng Đông, Đông Nam về Thủ đô”, EVN cho hay.

Mức độ ảnh hưởng lớn nhất của nồng độ bụi thường xuất hiện ở khoảng cách nhà máy từ 2,6-2,8 km

Tuy nhiên, thông tin từ Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, thì các ngày Hà Nội ô nhiễm thì có điều kiện khí tượng không thuận lợi. Cụ thể: đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.1-2m/s), hướng gió không cụ thể (gió quẩn), ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng cao về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố.

“Điều này cho thấy rằng, việc ô nhiễm không khí tại Thủ đô do các nhà máy nhiệt điện phía Đông là điều không chính xác. Trong điều kiện lặng gió, hướng gió quẩn, nhiệt độ cao, sương mù bao phù thành phố, thì gần như không thể xuất hiện sự đóng góp ô nhiễm bụi (ngoại xâm) của các nhà máy nhiệt điện từ phía Đông ở khoảng cách 60-200km”, EVN khẳng định.

Trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện, EVN cho hay đã thực hiện công tác đánh giá tác động, phân tích mức độ ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh và được thể hiện trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Cơ quan Quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Nhằm đánh giá mức độ lan truyền bụi phán tán trong môi trường không khí, các báo cáo ĐTM đã sử dụng mô hình tính toán (AERMOD, CALPUFF,…) được Thế giới công nhận, áp dụng để mô phỏng khuếch tán nồng độ bụi trong không khí.

Nhằm đánh giá các tác động tích lũy, cộng hưởng của các nhà máy nhiệt điện tới môi trường xunh quanh, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo, nghiên cứu tác động môi trưởng tổng hợp của các trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải. Mô hình tính toán CALPULL đã được sử dụng đánh giá mức độ khuếch tán nồng độ bụi trong không khí.

“Các kết quả mô hình đều cho thấy rằng, mức độ ảnh hưởng lớn nhất của nồng độ bụi (khoảng 30 mg/m3 đối với tổng bụi TSP và 10 mg/m3 bụi mịn PM10) thường xuất hiện ở khoảng cách nhà máy từ 2,6-2,8 km và giảm rất nhanh ở các khoảng cách xa hơn so với nhà máy. Tại khoảng cách từ 5km-10km trở lên nồng độ bụi do tác động của nhà máy nhiệt điện gần như không còn ảnh hưởng (tăng thêm 1-5 mg/m3 so với quy chuẩn là 200 mg/m3 )”, EVN cho biết.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang sở hữu và vận hành một số nhà máy nhiệt điện than, trong đó có các nhà máy tại miền Bắc cách từ 60-210km về phía Đông của Hà Nội, các nhà máy tại miền Nam cách Thành phố Hồ Chí Minh từ 200-300km.

Để đảm bảo giảm tối thiểu nồng độ bụi phát thải ra ngoài môi trường thì tất cả các nhà máy nhiệt điện than của EVN (12/12) đều đã đầu tư và lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) với hiệu suất xử lý bụi đạt trên 99,6%.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Khói mù mịt, nghi do tro bụi nhiệt điện bay về
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.