Sáng 22/11, Hà Nội và một số khu vực ở miền Bắc đang diễn ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bầu trời bị bao phủ bởi lớp sương mù đặc quánh và bụi mịn. Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội tại thời điểm đo cao gấp 23.5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội trong sáng nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ.
Một số điểm đo tại Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím, đỏ như: Quảng Bá (207), Hoàng Quốc Việt (194), Khu đô thị Ciputra (192), Xuân Diệu/Quảng An (187), Mipec Long Biên (185), Cự Khôi – Long Biên (181), Trần Văn Cẩn (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm – 165).
Theo đó, khi ô nhiễm không khí, các nhóm đối tượng nhạy cảm sẽ cảm nhận được tác động đến sức khỏe ngay lập tức. Cần đóng các cửa sổ để tránh không khí ô nhiễm đồng thời nên giảm hoạt động ngoài trời.
Chất lượng không khí tốt nằm trong khoảng từ 0 đến 50, trong khi các phép đo trên 300 được coi là nguy hiểm.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.
Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.