Hà Nội nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường tại các làng nghề

Ánh Minh|25/07/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Vấn đề phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường tại các làng nghề đang được Thành phố Hà Nội quan tâm và thúc đẩy.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

30-1629685283-o-nhiem-lang-nghe-ha-noi.jpg
Hà Nội triển khai những nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ môi trường làng nghề.

Bên cạnh vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn thì sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...

Hiện nay, Hà Nội có 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm và 63 làng nghề không gây ô nhiễm. Trong đó khoảng 36% số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hơn 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn… Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…

Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thực phẩm; dệt; nhuộm; tái chế, gia công cơ kim khí…

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường…

Cùng với đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường còn chậm; lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; kinh phí sự nghiệp dành cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế...

Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Uỷ Ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.

Theo đó, Thành Phố Hà Nội đưa ra đề án triển khai theo từng giai đoạn. Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ở giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phân loại làng nghề và thực hiện xử lý ô nhiễm tại những làng nghề truyền thống chưa có phương án bảo vệ môi trường; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)...

Cũng trong giai đoạn này, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp làng nghề... Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách kiện toàn bộ máy quản lý môi trường cấp xã, phường...

Song song với nhiệm vụ trên, chúng tôi cùng các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới nhân dân; khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc để bảo vệ môi trường các làng nghề”, Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường tại các làng nghề