Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, dịch sốt xuất huyết bắt đầu sớm hơn mọi năm. Từ tháng 5 - 6, Trung tâm đã nhận được một số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết.
Sở Y tế Hà Nội phân tích rằng, thời tiết hiện nay có nhiều nắng và mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, do xả rác thải sai quy định, để phế liệu đọng nước hoặc tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ… người dân đã vô tình tạo ra môi trường lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bọ gậy.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cảnh báo: “Những năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4-5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch, thay vào đó dịch căng thẳng hàng năm do thời tiết có mưa-nắng thất thường. Đặc biệt, năm 2023, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng”.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần phòng tránh bị muỗi đốt. Theo đó, đặc biệt phải vệ sinh môi trường, nhà ở, không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. Hiện nay, thời tiết bước vào đầu mùa mưa, cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nếu chỉ ngành y tế vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị và mỗi người dân.