Hà Nội có tổng diện tích có rừng và diện tích chưa thành rừng gần 27.100ha, phân bố trên 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Rừng ở Hà Nội chủ yếu là rừng trồng như thông, keo, bạch đàn và thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, chủ yếu là các loài thực vật dễ cháy nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, độ ẩm không khí thấp cũng có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, nếu như không thực hiện tốt các biện pháp ứng phó. Do đó, công tác phòng, chống cháy rừng của thành phố luôn đặt trong tư thế sẵn sàng, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đến diện tích rừng do cháy.
Trong số 7 huyện, thị xã có rừng của Hà Nội, huyện Sóc Sơn là địa bàn “nóng” nhất về tình trạng cháy rừng. Số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện này nhiều năm qua luôn đứng tốp đầu của thành phố.
Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm số 4 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Lê Văn Đức, mùa hanh khô, dù đã được cảnh báo khả năng xảy ra cháy thường xuyên theo các cấp độ nhưng nhiều người, nhất là khách du lịch vẫn mang nguồn lửa hay đốt lửa gần các khu rừng. Nếu không được phát hiện, dập tắt sớm, việc cháy lan khó tránh khỏi.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng. Trong đó, tại huyện Thạch Thất 1 vụ với diện tích 1,5ha, huyện Sóc Sơn 1 vụ với diện tích 0,5ha. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.
Các vụ cháy đều được phát hiện và huy động lực lượng dập tắt kịp thời, không để lan rộng, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay giảm 32 vụ và giảm hơn 38ha.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm cho biết, số vụ cháy rừng giảm mạnh vì các địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; một phần do năm nay khu vực Hà Nội có mưa nhiều, thảm thực bì dày tích tụ nước và độ ẩm nên khó cháy.
"Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2024, dự báo thời tiết hanh khô kéo dài, ít mưa nên các địa phương có rừng cần chủ động phương án bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng", ông Nguyễn Tiến Lâm nhấn mạnh.
Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bước vào mùa hanh khô 2024-2025, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị quân đội, công an và các huyện, thị xã có rừng hiệp đồng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian qua, các địa phương có rừng đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân; đồng thời đề nghị các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm công tác phòng cháy rừng.
Các địa phương có rừng cũng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng: Kiện toàn ban chỉ huy và tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã có rừng; hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc đốt dọn thực bì theo quy hoạch...
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng; thường xuyên rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
Các địa phương được yêu cầu chủ động trong mọi tình huống, kể cả về phương tiện, lực lượng, kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra để hạn chế thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản.
Cháy rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho môi trường, bao gồm:
Mất đa dạng sinh học: Cháy rừng có thể tiêu diệt nhiều loài động, thực vật, dẫn đến suy giảm sự đa dạng sinh học trong khu vực.
Ô nhiễm không khí: Khói từ cháy rừng chứa nhiều chất độc hại, làm ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Thay đổi khí hậu: Khi rừng bị cháy, lượng carbon dioxide lớn được phát thải vào khí quyển, góp phần vào hiện tượng biến đổi khí hậu.
Xói mòn đất: Cháy rừng làm mất lớp thực vật bảo vệ đất, dẫn đến xói mòn và giảm khả năng giữ nước của đất.
Suy giảm chất lượng đất: Nhiệt độ cao từ cháy rừng có thể làm giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh thực vật.
Mất môi trường sống: Nhiều động vật mất nơi sinh sống và có thể bị đe dọa tuyệt chủng.
Tác động đến nguồn nước: Cháy rừng có thể làm thay đổi dòng chảy và chất lượng nước trong khu vực, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước.