Hà Nội: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, khí thải

Hoàng An|22/03/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 742/UBND-ĐT về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí

Theo đó, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố để cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Trong quá trình thực hiện, các Sở, ngành chủ động phối hợp, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn các cơ quan chuyên ngành Trung ương để thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ được giao.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, khí thải tại Thủ đô

Theo Công văn, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường các nhiệm vụ như sau: Vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường, đảm bảo cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; Thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn thành phố làm cơ sở xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố;

Xây dựng, ứng dụng phần mềm mô hình hóa, dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí; Đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, hoàn thành xong trong quý II/2021; Phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Công Thương và các quận, huyện, thị xã rà soát tổng hợp danh mục, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Phối hợp các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong quý II/2021; Đảm bảo trong năm 2021 không còn tình trạng đốt rơm rạ; Phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe gắn máy, mô tô trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND Thành phố về giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

UBND Thành phố Hà Nội giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông định hướng, quán triệt các cơ quan báo chí, truyền hình sử dụng thông tin chất lượng môi trường do các cơ quan có thẩm quyền. Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, quán triệt tới từng xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường không khí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố.

Cùng với đó, các Sở, ngành, quận huyện thị xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao về công tác bảo vệ môi trường không khí; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo thực hiện.

Ô nhiễm không khí do quản lý rác thải kém hiệu quả

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở các khu vực thành thị, khu dân cư ngày càng tăng cao khiến cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên, một số công ty thu gom rác thải đô thị đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, khối lượng công việc của công nhân vệ sinh môi trường tăng gấp 2 – 3 lần.

Điều này dẫn đến lượng rác thải tồn đọng tại các khu vực dân cư, sau khi được thu gom cũng trở nên quá tải, trong khi các nhà máy xử lý chưa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu. Một số công nhân vệ sinh phải đốt rác để giảm diện tích bãi chứa, vô tình giải phóng ra không khí không chỉ khí thải các bon mà còn nhiều khói bụi, kim loại nặng…

Mặt khác, tại những nơi rác thải tồn đọng, hiện tượng rác hữu cơ phân hủy cũng là nguồn gây ra khí thải gây ô nhiễm không khí.

Như vậy, bên cạnh việc xử lý phát thải công nghiệp hay hạn chế khí thải từ phương tiện giao thông, việc quản lý hiệu quả rác thải rắn cũng là biện pháp giúp giảm ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam PRO Việt Nam), công tác quản lý chất thải rắn đang không bắt kịp với tốc độ đô thị hóa cũng như khối lượng và độ phức tạp của rác thải phát sinh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ thói quen, nhận thức của người tiêu dùng đối với rác thải. Đây cũng được coi là mắt xích quan trọng nhất để hình thành chuỗi giá trị tái chế, phương pháp xử lý ô nhiễm gắn liền với mô hình kinh tế tuần hoàn, đem lại lợi ích vẹn toàn cả về môi trường lẫn kinh tế.

Các nhà tái chế cho biết, chuỗi giá trị tái chế cũng như công tác quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả cao yêu cầu không chỉ rác thải được phân loại tại nguồn mà còn xử lý sơ rác thải trước khi thải bỏ.

Góp phần khắc phục vấn nạn ô nhiễm không khí cũng như nhiều vấn nạn ô nhiễm môi trường khác, PRO Việt Nam đã và đang tiến hành hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động thu gom rác thải cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại, xử lý rác thải đối với người tiêu dùng.

Hoàng An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, khí thải