Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hiện tại, Hà Nội có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ "xanh hóa" phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả doanh nghiệp và Thành phố.
Trên địa bàn Thành phố cũng có 8 đơn vị tham gia thí điểm hoạt động xe điện bốn bánh với 223 phương tiện, hoạt động khu vực phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Làng cổ Đường Lâm, khu vực chùa Hương và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ chủ yếu mục đích tham quan du lịch và nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân viên trong khu vực nội Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố định hướng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch. Trong đó, giai đoạn 2025-2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45% - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với việc triển khai nhiều loại hình giao thông mới, Hà Nội đang từng bước thực hiện "xanh hóa" phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, đề ra phương hướng "phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh". Đây cũng là giải pháp được Thành phố triển khai thời gian qua nhằm "xanh hóa" hệ thống giao thông công cộng.
Để bảo đảm cơ chế, chính sách hoàn thiện mục tiêu này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý lại quy định theo hướng HĐND Thành phố quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường;
Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch để Thành phố có thể chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp phù hợp với khả năng nguồn lực và yêu cầu của tình hình thực tế. Đồng thời, giao HĐND Thành phố quy định các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững.