Trong những ngày vừa qua, hàng chục hộ dân nuôi ngao ở vùng cửa biển thuộc thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đứng ngồi không yên vì ngao giống và ngao thành phẩm chết trắng bãi.
Hiện, bà con đang phải thuê lao động ra bãi nhặt xác ngao chết, vệ sinh đồng bãi để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Bà Lê Thị Dung (68 tuổi) đang cùng chồng lựa nhặt những con ngao sống sót, vẻ mặt buồn bã, kể, gia đình bà nuôi 0,5 ha ngao, với chi phí mua ngao giống hết hơn 200 triệu đồng. Sau 2 năm thả nuôi, nay đã vào vụ thu hoạch thì bất ngờ ngao chết trắng bãi với tỉ lệ chết khoảng 70 – 80%, gây thiệt hại cho gia đình ước khoảng 300 triệu đồng (cả vốn lẫn lãi).
Người dân ở xã Mai Phụ thu gom xác ngao chết và thu hoạch số ngao còn lại để vớt vát lại vốn liếng
Xót xa hơn, ngoài việc thiệt hại về kinh tế, gia đình bà còn phải thuê nhân công thu dọn vỏ ngao chết để dọn vệ sinh bãi nuôi chuẩn bị cho đợt nuôi khác với tiền công 200.000 đồng/buổi. Tính riêng khoản này cũng đã mất hơn chục triệu đồng.
Không chỉ ngao chết, hàu nuôi trong bãi của bà Dung cũng chết trắng, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Ông Lê Văn Thuận (64 tuổi) – một trong những gia đình nuôi ngao nhiều nhất ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ), cho biết vào tháng 7 vừa qua, gia đình ông đầu tư hơn 500 triệu đồng mua 27 tấn ngao giống về thả nuôi trên diện tích 2,4 ha ở cửa biển thuộc địa phận của xã.
Nhưng sau đợt mưa lũ những ngày đầu tháng 9, nước từ thượng nguồn đổ về cộng với cống sông Đò Điệm xả lũ khiến khu vực nuôi ngao bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ ít ngày sau, hàng chục tấn ngao giống và ngao thương phẩm bắt đầu chết rải rác và sau đó chết hàng loạt.
“Chúng tôi phát hiện ngao chết rải rác từ ngày 9.9. Còn hiện tượng ngao chết hàng loạt thì từ ngày 11.9 cho đến nay. Riêng gia đình tôi ngao bị chết trắng gần như toàn bộ, thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Hai ngày vừa qua, tôi phải bỏ tiền thuê người dân ra thu gom xác ngao chết đem đổ và thu hoạch số ngao còn lại để vớt vát lại phần nào”, ông Thuận buồn bã nói.
Ngao chết được thu gom đổ thành từng đống bên bờ
Liên quan đến sự việc trên, Ông Phạm Trọng Hợp – Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ – cho biết, toàn bộ diện tích nuôi ngao ở thôn Mai Lâm là khoảng 80 ha với 36 hộ nuôi, trong đó có cả Hợp tác xã Hùng Thuận và Hồng Việt. Ngao chết đợt này gồm cả ngao giống và ngao thương phẩm với mức độ chết phổ biến từ 70 – 80%, có nơi chết gần như 100%. Theo tính toán của ông Hợp, mỗi ha ngao bình quân thu về 40 tấn ngao thương phẩm, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Tính ra, toàn khu vực nuôi 80 ha thì thiệt hại ước khoảng 40 tỉ đồng.
“Nguyên nhân bước đầu xác định ngao chết là do mưa lũ kéo dài trong thời gian vừa qua khiến nước biển ở khu vực nuôi ngao bị ngọt hóa. Đặc biệt, tình trạng cống sông Đò Điệm xả lũ về cuốn theo một lượng lớn bèo tây đổ về. Xác bèo tây đọng lại phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường nước khiến ngao không thể sống nổi”, ông Hợp nói.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh – cho biết, vài ngày trước, Chi cục đã cử người về kiểm tra hiện tượng ngao nuôi chết ở xã Mai Phụ. Tuy nhiên, thời điểm đó nước lớn chưa lấy mẫu được. Sáng nay (16.9), cán bộ của Chi cục đang về lấy mẫu để gửi Cơ quan Thú y vùng 3 phân tích tìm nguyên nhân.
Theo người dân địa phương, trong vòng 10 năm trở lại đây, mặc dù ngao chết không phải là hiếm nhưng không có tình trạng ngao chết hàng loạt như những ngày qua.
Ngọc Linh (t/h)