Hà Tĩnh: Nguy cơ “ô nhiễm trắng” từ thói quen dùng nilon trên đồng ruộng

Tuấn Kiệt|24/01/2024 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sử dụng nilon bao quanh đồng ruộng phòng ngừa chuột, tác động thời tiết bất lợi gây hại cho lúa nhưng cũng kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Sau 4 ngày gieo cấy gần 2 sào lúa xuân ở cánh đồng Già, ông Đặng Ngọc Tuấn (SN 1968, TDP K130, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) mang theo nhiều thanh tre cùng 2kg nilon để bao quanh ruộng lúa, hạn chế sự phá hại của chuột.

Theo lời ông Tuấn, khi vừa gieo cấy, ruộng đang có nước, chuột chưa thể phá được nhưng chỉ cần 3-4 ngày, nước cạn, chuột đã xuất hiện và ăn lúa giống.

Chỉ tay vào vô số dấu chân chuột để lại, ông Tuấn cho hay: "Sau khi gieo vài ngày đã phải bọc nilon để bảo vệ lúa nhưng do gia đình có việc nên giờ tôi mới làm được. Mới chậm vài ngày mà chuột đã xuất hiện, ăn mất 1 góc lúa giống rồi".

nilon.jpg
Sử dụng nilon trên đồng ruộng tăng nguy cơ "ô nhiễm trắng"

Theo lời ông Tuấn, trước khi bắt đầu mùa vụ, người dân và chính quyền địa phương cũng đã có triển khai một số biện pháp bẫy, bắt chuột trên các cánh đồng. Tuy nhiên, do số lượng nhiều, không thể xử lý hết nên khi lúa xuân gieo cấy, chuột lại gây hại cho lúa.

Để hạn chế sự phá hại của chuột đối với mùa màng, cùng với tiếp tục các biện pháp bẫy, bắt, người dân sử dụng nilon bao quanh ruộng lúa. Nông dân cho rằng, đây là cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn chuột phá hại.

“Mùa này, gia đình tôi gieo cấy 6 sào lúa nên cần dùng tới 6kg nilon. Loại bao nilon này có giá 28 – 30 nghìn đồng/kg và chỉ dùng được một mùa. Tới cuối vụ lúa, nilon bị hư hỏng, tôi thường gom lại đốt hoặc bỏ vào các bể chứa trên đồng ruộng” - ông Đặng Ngọc Tuấn cho hay.

Thời điểm này, người dân tại các địa phương ở Hà Tĩnh đang vào vụ gieo cấy lúa xuân. Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh sản xuất 59.107ha.

Để bảo vệ lúa, tránh sự gây hại của chuột hay bất lợi từ thời tiết, phần lớn người dân đều sử dụng nilon bao quanh ruộng. Và sau mỗi mùa vụ, không khó bắt gặp cảnh nilon vứt bừa bãi trên các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng.

Mục đích việc sử dụng nilon của bà con nông dân là điều dễ hiểu, tuy nhiên, do đặc tính khó phân hủy nên nilon gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Đây thực sự là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái, đặt ra nhiều áp lực và thách thức về việc bảo vệ môi trường sống.

Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho hay: Theo nghiên cứu, khi ở môi trường tự nhiên, nilon phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Trường hợp chôn lấp, rác thải nilon gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loại thực vật và đây cũng là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng.

Khi đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư.

Thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng cũng tích cực tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng nilon, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu các vấn đề môi trường do sử dụng, thải bỏ các loại bao bì khó phân hủy gây ra. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa thực sự cao.

Để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng nilon đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân hãy thay đổi thói quen sử dụng bao bì nilon, hạn chế nguy cơ “ô nhiễm trắng”, bảo vệ môi trường thật sự xanh, sạch, đẹp.

Bài liên quan
  • [Góc nhìn tuần qua] “Ô nhiễm trắng” tại chợ dân sinh
    Mục tiêu phấn đấu là sau năm 2030, nước ta sẽ cấm toàn bộ việc tiêu thụ túi nilon, kể cả chợ dân sinh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, túi nilong vẫn là sản phẩm tiện dụng hàng đầu tại các khu chợ dân sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Nguy cơ “ô nhiễm trắng” từ thói quen dùng nilon trên đồng ruộng