Thảm họa ô nhiễm trắng và nỗi nguy hại tại Việt Nam

Hà Anh|03/11/2023 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do rác thải nhựa – “ô nhiễm trắng” nói riêng đang hiện hữu, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường sống.

Số lượng rác thải nhựa tăng nhanh theo từng năm

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề môi trường và rác thải nhựa được đề cập nhiều như thời gian gần đây. Rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu và ở mỗi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước và sức khỏe con người. Hiểm họa này xuất phát từ chính những thói quen sinh hoạt hàng ngày của con người là dùng quá nhiều bao bì nilông và các vật dụng bằng nhựa.

rac-thai.jpeg
Rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu và ở mỗi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và được vứt ra môi trường tự nhiên. Minh chứng rõ nét nhất là mỗi lần đi chợ của một gia đình cũng mang về cả chục chiếc túi nilon đựng các đồ thực phẩm và toàn bộ số đó được thải ra môi trường.

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến không khí, môi trường đất, ao hồ, sông suối, biển, đại dương... Ô nhiễm trắng đang xảy ra ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến biển đảo, bởi việc xả rác nhựa ra môi trường của con người.

Có một thực tế mà không phải ai cũng biết, đó là khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.

Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống. Trong đó, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.

Có thể thấy, tác hại của rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng môi trường sống, môi trường tự nhiên của chúng ta. Để giảm thiểu tối đa tác hại của rác thải nhựa, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động để người dân hạn chế sử dụng túi nilông, rác thải nhựa.

Giảm rác thải nhựa nhờ “bệ đỡ” chính sách


Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Việc này được thể hiện thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, một trong những văn bản quan trọng nhất liên quan đến quản lý và xử lý rác thải nhựa là Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm trắng không chỉ trên cạn mà còn trên biển.

Cụ thể theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Hay Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung: Đến 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động VHTT&DL…

Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Mới đây nhất trong đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội, là mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước. Mục đích là nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, hộp nhựa xốp… cũng như chưa khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế. Nếu đề nghị được thông qua đây có thể coi là bước đi quyết liệt của Việt Nam trong việc ngăn ngừa rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra các biện pháp tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tiêu dùng và loại bỏ sản phẩm nhựa. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tập trung vào nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế đối tác giữa doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân từng chia sẻ nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Trong đó đáng chú ý là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung một số quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Qua đó hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Dẫu vậy ta và nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn phải đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gia tăng.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển, để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm họa ô nhiễm trắng và nỗi nguy hại tại Việt Nam