Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022 và Cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” lần thứ nhất do Báo điện tử VTC News phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP – Việt Nam), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF – Việt Nam), và Ban Quản lý dự án về “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương tại Việt Nam” - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức.
Dự lễ trao giải có lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, UNDP Việt Nam, WWF Việt Nam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan Báo chí, các tác giả đoạt giải.
Giải báo chí quy tụ được 312 tác phẩm báo chí của 70 tác giả từ 19 tỉnh thành phố trong cả nước tham dự. Ở Cuộc thi ảnh, Ban tổ chức đã nhận được hàng nghìn tác phẩm và trong số đó hơn 7.500 tác phẩm ảnh của hơn 2.700 tác giả từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Campuchia) được lựa chọn vào vòng chấm sơ khảo.
Các tác phẩm tham gia Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022 được ban tổ chức đánh giá cao, cả về chất lượng lẫn hình thức. Những tác phẩm đạt giải đều có câu chuyện đặc biệt về vấn đề môi trường, nỗi lòng của người dân trước vấn nạn rác thải nhựa tràn lan. Các tác phẩm không chỉ phản ảnh thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa còn đưa ra những giải pháp giúp chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc ngăn chặn và tái chế các sản phẩm từ nhựa.
Giải nhất được trao cho nhóm tác giả Đỗ Thị Hòa - Phạm Ngọc Phức thuộc VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam với phóng sự “Cuộc chiến” rác thải nhựa”. Giải nhì thuộc về tác phẩm “Gỡ khó phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hạnh - Phạm Hồng Mạnh, Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô và loạt hai bài "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương: Từ hành động nhỏ đến khát vọng xanh" của tác giả Hồ Minh Vân, Báo Bình Thuận. Giải ba được trao cho nhóm tác giả Nguyễn Hồng Quân – Nguyễn Hồng Nam, Báo điện tử VTC News với loạt bài “Thực hiện trách nhiệm với môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”, nhóm tác giả Hồ Thanh Hiếu- Nguyễn Thanh Thắng, Đài Tiếng nói Việt Nam với loạt 2 bài "Thay đổi ứng xử với rác thải trên biển và đại dương”, và tác giả Trần Thị Hường, Báo Công Thương với loạt bài “Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: Nước mắt của biển và hành động của chúng ta”.
Tại cuộc thi ảnh, những tác phẩm đạt giải đã có tác động sâu sắc và trực quan đối với hiện thực môi trường biển đang bị tàn phá ở các quốc gia Đông Nam Á. Các tác phẩm lột tả môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng sâu sắc, các loài động vật sinh sống trong đó cũng buộc phải thích nghi với rác thải. Ở góc cạnh khác, các tác phẩm ảnh cũng đã mô tả sinh động những nỗ lực tích cực của con người trong việc làm giảm tác động của ô nhiễm nhựa thông qua hoạt động tái chế, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của những người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội.
Giải nhất cuộc thi ảnh được trao cho tác phẩm “Plastic” của tác giả Winniwat Traitongtanarat (Thái Lan). Giải nhì thuộc về bộ ảnh “Du khách nước ngoài dọn rác sau bão Noru ở Hội An” của tác giả Phạm Đăng Khiêm (Việt Nam) và tác phẩm “The Plastic sea grass” của tác giả Sirilert Phonsin (Thái Lan). Giải ba được trao cho các tác phẩm sau: “Biển cạn” của tác giả Hoàng Ngân Hạnh (Việt Nam), “Fish or Plastic” của tác giả Huỳnh Thanh Huy (Việt Nam), “Tái chế” của tác giả Nguyễn Trọng Dương (Việt Nam). Giải khuyến khích thuộc về các tác phẩm “Non-Organic Waste That Blocking the Singkawang River Flow” của tác giả Sutomo (Indonesia), “Khi mùa lũ đi qua” của tác giả Nguyễn Văn Hải (Việt Nam), “Bộ đội Hải quân chung tay làm sạc biển ở khu vực cảng cá Đồ Sơn, Hải Phòng” của tác giả Vũ Văn Hưởng (Việt Nam), “Rác thải nhựa trên biển Kiên Giang” của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Việt Nam), và bộ ảnh “Nỗi ám ảnh của Đại Dương” của tác giả Đào Đặng Công Trung (Việt Nam).
Phát biểu tại lễ trao giải, Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, “Tất cả chúng ta đều chia sẻ trách nhiệm trong việc ứng phó với ô nhiễm môi trường biển. Chúng ta cần suy nghĩ toàn cầu và hành động tại địa phương. Người tiêu dùng hãy nói không với nhựa dùng một lần. Nếu không thể sử dụng lại sản phẩm nhựa đó, chúng ta nên từ chối nó. Những thay đổi nhỏ mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống hàng ngày này sẽ tạo ra tác động lớn”.