Từ 22-26/4, khu vực cầu phao, đoạn qua xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) xuất hiện hàng trăm xác lợn chết có trọng lượng từ 40-100 kg mỗi con. Xác lợn đang trong quá trình phân hủy, trôi dạt từ thượng nguồn sông Hóa về, bốc mùi hôi thối.
Trước tình hình đó, UBND huyện Vĩnh Bảo đã giao Ban chỉ huy quân sự huyện dùng xuồng, xe cơ giới và điều động lực lượng dân quân, tự vệ phối hợp cùng các ban, ngành của huyện, xã Cổ Am vớt xác lợn, đưa đi tiêu hủy.
Hầu hết xác lợn trên đều đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp cả vùng. Thậm chí có xác lợn bị mắc lại ở đoạn khu vực cầu phao làm những ai qua đây đều phải “trốn chạy”.
Theo một số người dân sống gần sông Hóa, cách đây vài ngày, họ phát hiện hàng chục xác lợn chết thối từ thượng nguồn sông Hóa chảy về khu vực cầu phao sông này. Xác lợn chết lẫn với bèo tây, rác thải sinh hoạt chất thành đống ở khu vực, bốc mùi hôi thối nồng nặc không ai chịu nổi.
Lợn chết trôi dạt cầu phao sông Hóa gây ô nhiễm kinh hoàng cho người dân địa phương. Ảnh: MT
Xác nhận sự việc trên, ông Đào Nguyên Linh – Chủ tịch xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Gần 10 ngày nay, trên địa bàn xuất hiện tình trạng lợn chết trôi từ thượng nguồn đổ về mắc cả vào cầu phao sông Hóa, bốc mùi nồng nặc”.
Ông Linh cũng khẳng định số lợn này không phải của huyện Vĩnh Bảo. “Mỗi ngày có khoảng hơn chục con lợn chết trôi sông. Tính đến thời điểm này, xã đã phối hợp với các phòng ban của huyện tiêu hủy gần 300 con. Có thể số lợn này trôi từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương về”, ông Linh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã và đang xuất hiện tại nhiều xã trên địa bàn huyện nhưng do công tác tuyên truyền và kiểm soát tốt nên các hộ chăn nuôi có lợn bị dịch đều báo cơ quan chức năng xuống kiểm kê, đưa đi tiêu hủy. Do vậy, ông Nhưỡng khẳng định, hơn 200 xác lợn chết vớt được trên sông Hóa không phải của địa phương.
Theo ông Nhưỡng, xác lợn trôi từ thượng nguồn sông Hóa về nên nhiều khả năng số lợn chết đó có nguồn gốc từ hai huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) và huyện Ninh Giang (Hải Dương) bởi dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, lây lan rộng ở hai huyện này.
Chủ một hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tam Cường chia sẻ, không có chuyện các hộ chăn nuôi trong vùng vứt xác lợn bị dịch bệnh xuống sông. Bởi khi lợn có dấu hiệu mắc dịch, chủ hộ chăn nuôi báo cơ quan chức năng xuống lấy mẫu kiểm tra. Nếu xác định lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, chủ cơ sở tích cực phối hợp với chính quyền xã, huyện tổ chức tiêu hủy. Có như vậy, chủ hộ chăn nuôi mới được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.
Hiện chưa biết số xác lợn trên xuất phát từ đâu, chính quyền các địa phương huyện Vĩnh Bảo đang nỗ lực vớt, tiêu hủy số xác lợn này.
Ngọc Linh (t/h)