Hệ thống thông tin dữ liệu đất đai cần tiếp cận được công nghệ tiên tiến của thế giới

Theo Monre|09/03/2018 22:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Phát biểu chủ trì Hội thảo “Mô hình và phần mềm vận hành hệ thống thông tin đất đai” diễn ra sáng 9/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hệ thống thông tin dữ liệu đất đai cần phải tiếp cận được công nghệ tiên tiến, thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện để theo kịp sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin thế giới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng Hệ thống thông tin dữ liệu đất đai cần tiếp cận được công nghệ tiên tiến của Thế giới

Đồng chủ trì Hội thảo với Bộ trưởng có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa. Dự hội thảo có các nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đặng Hùng Võ, Nguyễn Mạnh Hiển cùng đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh thành phố, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sự có mặt đông đủ của các nhà khoa học, các nhà quản lý về đất đai trong và ngoài nước tại Hội thảo này chính là khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực đất đai trong sự phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính chủ trì Hội thảo sáng 9/3

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang hướng đến và lựa chọn để theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức then chốt. Đồng thời đây cũng chính là quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng coi đất đai và công tác quản lý đất đai là một vấn đề hết sức quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai là vấn đề quan trọng để đảm bảo quản lý đất đai một cách hiện đại, minh bạch.

Thông tin đến hội thảo việc Chính phủ coi cơ sở dữ liệu đất đai là 1 trong 5 cơ sở dữ liệu quốc gia, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho rằng chính vì tầm quan trọng như vậy, nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ quan tâm thông qua việc huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong khuôn khổ dự án của Ngân hàng Thế giới cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính trình bày về hiện trạng của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng các nội dung mà các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp đưa ra sẽ tạo nền tảng quan trọng cho đổi mới tư duy trong thiết kế kiến trúc về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai một cách đồng bộ và thống nhất để xây dựng một hệ thống mang khả năng ứng dụng cao.
Mong muốn hệ thống thông tin này sẽ được vận hành từ Trung ương đến cấp xã, phường, Bộ trưởng cho rằng cần làm sao để những người dân hiểu biết ít nhất về công nghệ thông tin cũng có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, hệ thống thông tin này không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp Chính phủ vận hành công tác quản lý nhà nước về đất đai và đáp ứng các nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai. Đồng thời, hệ thống thông tin đất đai đảm bảo kết nối liên thông thủ tục hành chính giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các ngành như Thuế, Hải Quan…

Với tầm quan trọng như vậy của hệ thống thông tin dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị: “Bên cạnh việc thiết kế sao cho đảm bảo tính liên thông, chúng ta cần tiếp cận được công nghệ tiên tiến. Đồng thời hệ thống này cũng cần theo kịp, cập nhật và hoàn thiện theo những quá trình thay đổi rất nhanh của công nghệ thông tin trên thế giới.”

Đại diện Tập đoàn FPT trình bày phương án thông tin dữ liệu đất đai tại Hội thảo

Để có Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, bên cạnh sự đầu tư ban đầu của nhà nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn nhận được sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp từ hạ tầng đến cung cấp dịch vụ dưới các hình thức đầu tư như BT, BOT để làm sao trong một vài năm tới có thể triển khai hệ thống này rộng khắp trong cả nước và phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn đồng thời hướng đến xã hội hóa dịch vụ cung cấp thông tin đất đai…

Trình bày về hiện trạng của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính cho biết: Theo Luật Đất đai, Hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.

Hệ thống thông tin đất đai quốc gia được xây dựng vừa phải tuân theo các tiêu chuẩn của một hệ thống thông tin cấp quốc gia và vừa đáp ứng được tính đặc thù của công tác quản lý đất đai, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin đất đai của các bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Quang cảnh hội thảo ngày 9/3 tại Trụ sở Bộ TN&MT

Ông Đào Trung Chính cho biết, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và cụ thể về công tác xây dựng cơ sở dữ liệt đất đai và hệ thống thông tin đất đai. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang trình Chính phủ 02 Nghị định gồm “Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai” và “Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai”. Bộ cũng đang xây dựng các Thông tư quy định chi tiết kèm theo trong lĩnh vực này.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Đào Trung Chính, hệ thống thông tin đất đai được xây dựng phải căn cứ trên nhu cầu, điều kiện thực tế, huy động được tối đa nguồn lực cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và tính hiệu quả giữa việc đi thuê dịch vụ so với đầu tư xây dựng mới.

Và một yêu cầu rất quan trọng đó là hạ tầng kỹ thuật công nghệ của Hệ thống thông tin đất đai cũng cần phải phù hợp với Khung kiến trúc của Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc của Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và kiến trúc của Chính phủ điện tử của các địa phương.

Về lựa chọn phương án phát triển phần mềm hệ thống thông tin đất đai, theo ông Đào Trung Chính, phải được thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và chuyển giao công nghệ cho tất cả các Văn phòng đăng ký của 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước…

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu sẽ được nghe các tập đoàn, công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn CMC, Tấp đoàn AIC, Công ty Trí Nam, Tập đoàn Koica, Công ty Jungdo UIT cùng các chuyên gia, các Bộ, Ban, Ngành, các Sở Tài nguyên và Môi trường… chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đất đai với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hệ thống thông tin dữ liệu đất đai cần tiếp cận được công nghệ tiên tiến của thế giới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.