Pháo sáng không bị dập tắt dễ dàng vì được thiết kế để thích ứng với môi trường nước. Không những thế, loại pháo này có thể cháy tới nhiệt độ 1600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép), có loại lên đến 3000 độ C. Chưa dừng lại ở đó, khói được tạo ra từ pháo sáng cũng rất nguy hiểm và không nên hít vào, với những người bị hen suyễn, khói từ pháo sáng sẽ khiến họ trở nên khó thở nhanh chóng.
Nếu rơi vào ai đó, loại pháo này có thể làm cháy quần áo chỉ trong chớp mắt và gây bỏng cho con người. Trong tình huống này, vết bỏng của nạn nhân rất dễ bị nhiễm độc (do pháo sáng có chứa lưu huỳnh) và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ về sau do nguy cơ hình thành sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là những tác động lan rộng và sâu tới cơ, xương…ảnh hưởng tới khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân.
Khói mù mịt từ pháo sáng làm tổn thương hệ hô hấp khi hít phải hoặc bỏng do cháy.
Ngoài ra, khi cháy pháo sáng còn tỏa ra một lượng khói lớn, độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là những người có tiền sử bị bệnh hen suyễn, hô hấp hay khó thở, khói pháo sáng có thể khiến bệnh tái phát. Thậm chí, nếu hít khói pháo sáng trong thời gian dài sẽ gây ngộ độc khí, phù nề da, cản trở hô hấp và suy hô hấp nguy hiểm tới tính mạng.
Trước đó, Tối 11/9, trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội), trong trận đầu bù vòng 22 V-League giữa 2 đội Hà Nội FC và Nam Định xảy ra sự cố nguy hiểm, đã gây trọng thương một cổ động viên. Chị Huyền Anh 34 tuổi bị thương nặng nhập viện Xanh Pôn cấp cứu. Nạn nhân sau khi được xử trí vết thương lớn ở đùi sẽ phải trải qua phẫu thuật ghép da tự thân. Dự kiến quá trình điều trị mất khoảng 15 ngày.
Mộc An (t/h)