Hiện trạng công tác quan trắc xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Ngọc Linh (t/h)|05/04/2019 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ven biển Việt Nam là khu vực dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn đang lấn ngày càng sâu vào đất liền. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên các lĩnh vực, ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nguồn nước sinh hoạt chịu nhiều tác động trực tiếp, gây khó khăn cho phát triển sản xuất và kinh tế xã hội vùng ven biển.

– Xâm nhập mặn được coi là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng, làm giảm tính đa dạng sinh học và làm mất cân bằng sinh thái.

>>> Giải pháp giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học

>>> Nhà khoa học ứng dụng muối đồng clorua nano vào phân bón cây trồng

Biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ của Trái đất, nhiệt độ Trái đất tăng làm dung tích nước của các đại dương tăng, băng từ các vùng cực tan chảy, mực nước biển dâng cao, mở rộng vùng xâm nhập mặn, thu hẹp diện tích nước ngọt và đây chính là vấn đề sống còn đối với nhân loại nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, đặc biệt là ở vùng đồng bằng ven biển hạ lưu hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình.

Theo Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào tầng nước ngọt. Khác với các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, thì xâm nhập mặn diễn ra chậm và có thể gây ra thiệt hại trong thời gian dài.

Bởi vậy những tác động của xâm nhập mặn đối với môi trường và kinh tế-xã hội là không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay. Đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hạ lưu sông Hồng – sông Thái Bình, hiện tượng xâm nhập mặn đang có xu hướng ngày một tiến sâu hơn, đây là một trong những vấn đề cấp bách cần được giải quyết ngay.

Chính vì những ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng của xâm nhập mặn gây ra, nhằm đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì xây dựng và nâng cấp hệ thống quan trắc xâm nhập mặn tại vùng hạ lưu sông Hồng-sông Thái Bình được ưu tiên hàng đầu.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, chỉ có 2,5% tổng lượng nước trên Trái đất là nước ngọt, phần còn lại là nước mặn. Nguồn nước ngọt lớn nhất lại nằm dưới lòng đất (nước ngầm) và một phần nước mặt nằm rải rác ở nhiều khu vực trên thế giới. Nước ngầm được sử dụng rộng rãi để bổ sung cho nguồn nước mặt nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.

Tuy vậy, một trong những vấn đề đối với hệ thống nước ngầm ở những vùng ven biển chính là xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn làm giảm nguồn nước ngọt dưới lòng đất ở các tầng chứa nước ven biển do cả quá trình tự nhiên và con người gây ra.

Do chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu nên vào mùa khô nguồn nước ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình có xu hướng giảm dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên diện rộng, tình hình lũ lụt trong mùa mưa cũng diễn biến phức tạp hơn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực này.

Nhiễm mặn tại vùng đồng bằng Bắc Bộ 

Đối với Đồng bằng sông Hồng, xâm nhập mặn vào sâu mùa khô trên sông chính là khoảng 20km và lớn hơn 20km đối với một số nhánh sông. Giá trị độ mặn lớn nhất đo được tại các nhánh sông chính có lưu lượng nước ngọt cao thường rơi vào tháng 1, trong khi đối với các sông nhánh lưu lượng nước ngọt thấp, giá trị độ mặn lớn nhất đo được thường rơi vào tháng 3 hàng năm. Kết quả đo đạc năm 2014 cho thấy độ mặn 10/00 xâm nhập sâu vào các sông với chiều dài so với cửa sông từ 28 đến 33km. Tại sông Đáy độ mặn 10/00 vào sâu đến 31km, sông Ninh Cơ là 32km, sông Hồng 31km, sông Trà Lý 28km.

Về số liệu thống kê: Độ mặn thay đổi mạnh từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 5 năm sau, tăng từ đầu mùa đến giữa mùa rồi lại giảm dần tới cuối mùa (tháng 5). Do ảnh hưởng của hồ Hòa Bình độ mặn trung bình tháng lớn nhất mùa cạn thường xảy ra vào tháng 1 và tháng 2 (chiếm 78% số trạm đo), so với thời kỳ chưa có hồ Hòa Bình độ mặn trung bình tháng lớn nhất mùa cạn lại thường xảy ra vào tháng 3, tháng 4.

Độ mặn có xu hướng tăng ở dòng chính sông Hồng và giảm về phía sông Thái Bình. Khả năng bổ sung lưu lượng nước cho vùng hạ du về mùa cạn của hồ chứa Hòa Bình đã cải thiện tình hình xâm nhập mặn. Tính trung bình nhiều năm từ chuỗi số liệu đo đạc, chiều dài xâm nhập mặn 10/00 xa nhất vào trong sông trên sông Thái Bình từ 13-49km (tùy từng khu vực), sông Ninh Cơ 36km, sông Trà Lý 51km, sông Đáy 41km và sông Hồng 14-33km.

Tại vùng điều tra sông Hồng, quan trắc mặn được đặt ở 2 điểm đo là Trạm Thủy văn Ba Lạt và điểm đo Dương Liễu. Trên sông Trà Lý quan trắc ở 3 điểm đo là Trạm Thủy văn Đông Quý, điểm đo Phúc Khê, điểm đo Ngũ Thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đo mặn chủ yếu phục vụ mục đích tưới tiêu và nuôi trông thủy sản, do đó các điểm đo mặn thường được bố trí trên các kênh, mương nội đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ quan trắc và đánh giá chất lượng điều tra cơ bản về mặn trên hệ thống các sông chính trên cả nước trong đó có lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình.

Quan trắc chính hiện nay vẫn là công tác thủ công, số lượng trạm quan trắc ít ỏi, mạng lưới các trạm thưa thớt dẫn đến khoảng cách đặt trạm không đảm bảo yêu cầu quan sát, giám sát, dự báo cho độ chính xác cao cũng như có vùng không đảm bảo số liệu quan trắc nên không thể đánh giá chi tiết xâm nhập mặn trên toàn vùng.

Bên cạnh đó, quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật ban hành từ năm 1999, cách đây gần 20 năm có nhiều điểm chưa rõ ràng chi tiết trong việc đo đạc, điều tra, khảo sát phục vụ các mục đích khác nhau nay đã không còn phù hợp. Nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm trong quan trắc đo mặn còn hạn chế, thời gian đo mặn chưa thực sự phản ánh đầy đủ quá trình xâm nhập mặn do nguyên nhân biến đổi khí hậu gây ra hiện nay.

Ngoài ra với điều kiện kinh tế của nước ta việc nghiên cứu thiết lập hệ thống trạm đo mặn có tính hiện đại hóa tự động hóa phục vụ đánh giá hiện trạng diễn biến mặn, cũng như dự báo xâm nhập mặn mới chỉ nằm trong quy mô dự án dùng nguồn vốn của nước ngoài hoặc tư nhân, ở mức độ thử nghiệm trong một thời gian nhất định rồi dừng, hoặc khả năng triển khai nhỏ lẻ chưa có tính rộng khắp.

Cùng với đó, việc xây dựng Quy chế cũng như định mức cho hệ thống trạm đo mặn tự động có lẽ chưa thể thực hiện được ngay mà cần phải có thời gian. Lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình là nơi chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, của sự xâm nhập mặn và các tác động như gia tăng nhiệt độ, phân bố mưa bất thường….

Để công tác đo đạc, khảo sát mặn khu vực hạ lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình thực sự hiệu quả, phục vụ tốt công tác dự báo xâm nhập mặn, góp phần tích cực vào công tác chỉ đạo ứng phó xâm nhập mặn, cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đo đạc, khảo sát mặn, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật cũng như bộ đơn giá khảo sát, đo đạc mặn.

Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm đo mặn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ theo Quyết định số 90/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường các tuyến khảo sát mặn dọc sông, bắt đầu từ vùng cửa sông có độ mặn cao nhất ngược về phía thượng nguồn đến khi có độ mặn nhỏ hơn 10/000 thì dừng đo để có số liệu phục vụ đầu vào cũng như kiểm nghiệm mô hình thủy lực dự báo mặn trên sông. ..

Đồng bằng Bắc Bộ có ý nghĩa chiến lược, sống còn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong khi đó xâm nhập mặn có ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sinh trưởng của cây lúa và nuôi tròng thủy sản.

Để ứng phó với các tác động bất lợi dưới tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể ở đây là xâm nhập mặn cho một số hoạt động sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt) và tận dụng những cơ hội thuận lợi do xâm nhập mặn mang lại cho việc phát triển các hoạt động sản xuất khác (như nuôi trồng thủy sản nước mặn hoặc mặn lợ, khai thác vùng bãi bồi ngập mặn…), rất cần có một kế hoạch hành động căn cơ lâu dài về các giải pháp thích ứng cho từng giai đoạn. Vì vậy, việc “Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sinh kế của cộng đồng cư dân vùng ven biển Bắc Bộ, đề xuất giải pháp thích ứng” là việc làm cấp thiết và quan trọng nhằm hạn chế và giảm thiểu sự XNM tại vùng ven biển Bắc Bộ, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng.

Hiện tượng xâm nhập mặn đã và đang được các nhà khoa học Việt Nam quan  tâm, đặc biệt khi xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng lớn đến các ngành nghề sản xuất của cộng động cư dân ven biển. Các nghiên cứu xâm nhập mặn thường được kết hợp trong các báo cáo đánh tác động của biến đổi khí hậu, trong các quy hoạch về cấp nước, hệ thống thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, …

Đồng bằng Bắc Bộ có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Dân số và kinh tế vùng Đồng bằng Bắc Bộ lại chiếm một vị trí trọng yếu cho quá trình phát triển của cả đồng bằng này. Do vậy, bất kỳ một tác động bất lợi nào làm mất ổn định cho vùng này, mà điển hình hơn cả là xâm nhập mặn ngày càng sâu, cần phải được xem xét và kiểm soát.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hiện trạng công tác quan trắc xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.