Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây nứt nẻ, khô cạn

Mai Lê (t/h)|29/04/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Được mệnh danh là hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây, thế nhưng hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang dần cạn trơ đáy. Hàng ngàn hộ dân đang đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Từ đầu tháng 4 đến nay, nước hồ ngày càng cạn dần. Khoảng 1.000 hộ dân phải sử dụng nước máy bị nhiễm mặn từ nơi khác để tắm giặt. Còn ăn uống thì phải mua nước giá 10 ngàn một thùng.

Hồ Kênh Lấp dài gần 5 km, rộng 40-100 m, vốn là con kênh đào từ thời Pháp, là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Hồ có sức chứa gần một triệu m3 nước, đủ sức phục vụ cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn.

Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp được tỉnh Bến Tre hoàn thiện vào tháng 8 năm 2019. Đến cuối tháng 4 này, hồ sắp cạn trơ cả đáy. Trước đó, nước hồ cũng bị nhiễm mặn. Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, hồ Kênh Lấp được hình thành từ việc chặn dòng sông. Mặn tiềm ẩn là điều khó tránh khỏi.

Hồ nước trữ ngọt khô cạn.

Kết thúc mùa khô năm nay, tỉnh Bến Tre sẽ cho tháo mặn, xổ phèn ở hồ Kênh Lấp trước khi lấy nước tích trữ. Riêng việc khô cạn là điều khó có thể tránh khỏi. Bởi mỗi ngày, nhà máy xử lý nước tại chỗ đã rút 2.400 mét khối từ hồ. Hàng trăm hộ dân xung quanh cũng bơm nước lên để tưới tiêu, sinh hoạt.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng có thông báo tình hình khai thác hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp. Cụ thể, từ ngày 10/1 đến nay, do nước mặn xâm nhập vào kênh 9A nên đã tạm ngưng lấy nước vào hồ chứa. Hiện tại, cao trình mực nước hồ chứa là -1.30m (thấp hơn 0,3m so với mực nước chết) và đã xảy ra sạt lở tại vị trí cuối hồ. Nếu nắng nóng vẫn gay gắt như hiện nay, chẳng bao lâu nữa toàn bộ hồ trữ nước này sẽ cạn trơ đáy.

Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn còn kéo dài đến tháng 5/2020. Do đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Bến Tre đề nghị công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại N.I.D trong thời gian từ nay cho đến hết mùa mặn năm 2020 có kết hoạch vận hành, khai thác nguồn nước từ hồ chứa cho phù hợp nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân.

Mùa hạn mặn năm nay được đánh giá sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.

Mai Lê (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây nứt nẻ, khô cạn