Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ đạt 57% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ đạt 59%, Nam Trung Bộ đạt 66%, Tây Nguyên đạt 40% và Đông Nam Bộ đạt 56%.
Qua thống kê, tại các khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện có 182 hồ chứa thủy lợi nhỏ bị cạn nước do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có 50 hồ, Nam Trung Bộ 28 hồ, Tây Nguyên 103 hồ…
Ngoài ra, có hơn 10 nghìn hecta cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước. Trong đó, các tỉnh Bình Phước 9.115ha, Bình Thuận 365ha, Sóc Trăng 621ha, Gia Lai 168ha…
Ngoài ra, theo nhận định một số địa phương ở đồng bằng Bắc bộ như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương… có nguy cơ thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đông xuân do mực nước sông Hồng -Thái Bình thấp.
Để bảo vệ cây trồng trước tình trạng hạn hán, thiếu nước, vừa qua Cục Trồng trọt có công văn đề nghị các địa phương khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, sử dụng các vật liệu che phủ đất hoặc thảm thực vật nhằm tránh nắng nóng, giảm thoát hơi nước.
Đồng thời trữ nước tại các hồ, đập chứa nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô, bảo đảm đủ nước tưới sản xuất; sử dụng các giống ngắn ngày, gieo tập trung nhằm tránh thời điểm hạn hán; không trồng mới cây công nghiệp, cây ăn quả trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước hoặc không chủ động nước tưới.
Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ hè-thu phù hợp với điều kiện của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế; thời vụ cần khoanh vùng cụ thể theo nguồn nước cung cấp cho sản xuất; xuống giống sớm và tập trung ở vùng có đủ nguồn nước tưới; đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa…