Hơn 200 người thiệt mạng và mất tích vì lũ lụt tại Nepal

Hạ Vy|01/10/2024 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nepal đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ, khiến ít nhất 209 người tử vong và 29 người mất tích. Hơn 4.000 người đã được cứu bằng trực thăng, thuyền máy và bè.

Theo Bộ Nội vụ Nepal, toàn bộ các khu dân cư ở thủ đô Kathmandu bị ngập lụt sau trận mưa lớn chưa từng có. Cảnh sát cho biết có 35 người bị chôn vùi do lở đất trên một đường cao tốc phía nam thủ đô.

Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót và dọn dẹp đống đổ nát. Hơn 4.000 người đã được cứu bằng trực thăng, thuyền máy và bè. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang mắc kẹt trên các đường cao tốc bị chặn bởi đất đá.

1-nepal.jpg
Mưa lớn gây ngập lụt tại Kathmandu, Nepal ngày 28/9/2024. Ảnh: TTXVN

Tổ chức CARE Nepal cho biết, nhu cầu cấp thiết hiện nay là nước uống sạch và nhà ở tạm thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các khu định cư không chính thức.

Cục Khí tượng Nepal thông tin, lượng mưa đo được tại sân bay Kathmandu đạt kỷ lục 240mm trong 24 giờ, cao nhất kể từ năm 2002. Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu và đô thị hóa thiếu quy hoạch đã làm trầm trọng thêm tác động của thảm họa này.

Theo Bộ Nội vụ nước này, tính đến tối 29/9 (giờ địa phương), số người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất đã tăng lên 170 người. Ngoài ra, 111 người khác bị thương và 42 người mất tích. Hiện hơn 50% số tuyến đường cao tốc quốc gia ở Nepal vẫn chưa thể lưu thông.

Các nhà máy thủy điện và công trình thủy lợi của Nepal đã bị hư hại nặng nề do mưa lớn kéo dài gây lũ lụt và lở đất trong những ngày gần đây, với thiệt hại ban đầu ước tính là 4,35 tỷ rupee (32,6 triệu USD).

Phát biểu họp báo ngày 30/9, các quan chức của Bộ Năng lượng, Tài nguyên nước và Thủy lợi Nepal cho biết các dự án thủy điện và truyền tải điện đã chịu thiệt hại khoảng 3 tỷ rupee (22,5 triệu USD), trong khi các dự án kiểm soát nguồn nước sông và thủy lợi bị thiệt hại khoảng 1,35 tỷ rupee (10,1 triệu USD).

Lũ lụt đã làm hư hại 11 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất phát điện là 625,96 MW và khiến nhiều nhà máy khác phải đóng cửa. Điều này đã dẫn đến việc công suất phát điện 1.100 MW bị tạm dừng, tương đương gần 1/3 tổng công suất của các nhà máy điện trên cả nước. Ngoài ra, 15 nhà máy thủy điện đang trong quá trình xây dựng cũng bị ảnh hưởng.

Các nhà máy điện và đường dây truyền tải điện bị hư hại đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện tại nhiều khu vực ở Nepal. Giám đốc điều hành của Cơ quan Điện lực Nepal, ông Kul Man Ghising, cho biết: "Việc đảm bảo nguồn cung điện cho đất nước trong mùa Đông sắp tới có thể sẽ gặp khó khăn do cần có thời gian để bảo trì và sửa chữa các nhà máy điện bị hư hại". Nepal thường sản xuất thủy điện dư thừa trong mùa gió mùa, nhưng vào mùa khô, sản lượng điện chỉ đạt khoảng 1/3 so với nhu cầu.

Lũ lụt cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực cho thủ đô khi các đường cao tốc bị chặn. Các thương nhân cho biết nguồn cung trái cây và rau quả tươi đã giảm mạnh.

Đây là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất tại Nepal trong năm nay, nâng tổng số người thiệt mạng do các sự cố liên quan đến mưa lên hơn 300 người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hơn 200 người thiệt mạng và mất tích vì lũ lụt tại Nepal