Hạn hán, lũ lụt nối tiếp nhau, Đông Nam Á đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực
Các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) xác định, biến đổi khí hậu nhân tạo và hai hiện tượng El Nino, La Nina tự nhiên là những nguyên nhân chính dẫn đến mất an ninh lương thực.
Hạn hán, lũ lụt nối tiếp nhau
Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, trong năm 2024 đã ghi nhận một chuỗi bao gồm 15 kỷ lục nhiệt độ toàn cầu và 130 kỷ lục cấp quốc gia. Đây là số lượng kỷ lục nhiệt độ cực đoan chưa từng xảy ra trong lịch sử. Trong đó, từ tháng 2 đến tháng 7 là những tháng nóng nhất trong lịch sử. Và Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất, từ sản xuất nông nghiệp đến đời sống nhân dân.
Vào ngày 30/4, Cục Khí tượng Thái Lan cho biết nhiệt độ cao nhất trong ngày ở các tỉnh phía bắc đa số trên 40 độ C. Tỉnh Lampang là tỉnh ghi nhận nhiệt độ cao nhất khi đạt 44,2 độ C, nhiệt độ cảm nhận thực tế là 52 độ.
Tại Myanmar, Cơ quan khí tượng Thủy văn quốc gia này cũng báo cáo nhiệt độ cao nhất trong 77 năm với mức nhiệt 44,8 độ C trong ngày 28/4.
Nhiệt độ cao kỷ lục và nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng tiêu cực đến những vụ lúa trong khu vực.
Sản lượng gạo của Indonesia trong năm vừa qua đã giảm hơn nửa triệu tấn trong khi số nợ của nông dân Thái Lan lại tăng thêm 8% vì biến đổi khí hậu.
Theo nhà nghiên cứu Elyssa Kaur Ludher của ISEAS, El Nino đã kết thúc vào tháng 8 và nhường chỗ cho La Nina - một hiện tượng thời tiết đối lập khi làm giảm nhiệt độ bề mặt nước biển và tạo mưa bão. Đáng lẽ, hiện tượng này có thể làm dịu “cơn khát” của Đông Nam Á sau thời gian hạn hán kéo dài. Song biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm La Nina khắc nghiệt hơn.
Nguy cơ mất an ninh lương thực
Các chuyên gia ở ISEAS xác định, biến đổi khí hậu nhân tạo và hai hiện tượng El Nino, La Nina tự nhiên là những nguyên nhân chính dẫn đến mất an ninh lương thực.
Trong tương lai gần, La Nina không chỉ tạo bão, lũ và giảm nhiệt độ ở Đông Nam Á mà còn gây hạn hán ở các quốc gia mạnh về ngũ cốc như Argentina và Brazil. Hai quốc gia này là nguồn cung cấp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho các nước Đông Nam Á. Do đó La Nina có thể gây ra tình trạng thiếu thức ăn gia súc từ đó dẫn đến lạm phát giá thịt ở Đông Nam Á.
Theo một nghiên cứu của ISEAS, giá thực phẩm tăng 5% sẽ làm tăng 14% số trẻ em mắc suy dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ dưới năm tuổi.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAQ), vào năm 2021, 55% người Đông Nam Á không đủ khả năng mua thực phẩm đủ dinh dưỡng. Ngoài Việt Nam và Lào, người dân ở khu vực cũng không tiêu thụ đủ lượng rau được WHO khuyến cáo. Điều này làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng.
Nhà nghiên cứu Ludher nhấn mạnh, có thể nói, biến đổi khí hậu đã giáng một đòn nặng nề vào an ninh lương thực ở Đông Nam Á. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư phát triển các loại cây trồng có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.