Hưng Yên: Tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Trà Lý|20/07/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Văn bản số 1985/UBND-KT2 về việc tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Để kiểm soát, xử lý có hiệu quả, góp phần từng bước ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1694/STNMT-QLMT ngày 08/7/2024.

song-bac-hung-hai.jpg
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp

Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; tập trung rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải có xả thải trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong cộng đồng.

Triển khai có hiệu quả đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Quan trắc giám sát chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt. Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt các cơ sở xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Có kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng tái chế chì xã Chỉ Đạo và tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung quyết liệt đối với các nguồn thải lớn vào hệ thống Bắc Hưng Hải và sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Công an tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị đơn vị chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, báo cáo UBND tỉnh xem xét kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, phát sinh nguồn thải lớn, chất thải chứa nhiều nguyên tố nguy hại cho môi trường, khó xử lý. Phối hợp với Sở Tài chính rà soát nhu cầu đầu tư, xây dựng, cải tạo các hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Tham mưu UBND tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư phải sử dụng công nghệ xử lý thân thiện môi trường nhằm giảm lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng phát sinh nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo dõi, giám sát chất lượng, lưu lượng nước thải xả từ cống Xuân Thụy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để kịp thời đưa ra giải pháp kiến nghị, xử lý nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; lập quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định.

UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng sông thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, yêu cầu hoàn trả hiện trạng lòng sông.

Đồng thời, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần xác định, xây dựng các điểm tập kết rác thải, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cách xa tuyến sông, kênh; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ các bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải; tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tiến hành xã hội hóa việc thu gom rác thải; lựa chọn rà soát các đơn vị thu gom rác thải đủ điều kiện, khả năng tiềm lực thực hiện; tổ chức tốt việc tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc xã hội hóa thu gom rác cũng như tác hại của việc vứt rác bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi, sông ngòi nói chung và sông Bắc Hưng Hải nói riêng để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về xả thải; kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các dự án, doanh nghiệp không có giấy phép môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định; xem xét rút giấy phép hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài, gây bức xúc tại địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hưng Yên: Tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải