Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6: Đánh giá khu vực đất ô nhiễm để cải tạo, xử lý tại Bình Thuận

Thùy Minh|02/06/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tỉnh Bình Thuận vừa có Công văn chỉ đạo các huyện, thị, thành phố, sở ngành tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất để cải tạo, xử lý.

ngay-moi-truong-the-gioi.jpg
Nạn khai thác cát trái phép dễ dẫn đến nguy cơ suy thoái đất ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận - ông Phan Văn Đăng vừa ban hành Công văn số 1844/UBND-KT hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tháng hành động vì môi trường năm 2024. Theo đó tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố, sở ngành tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.

Bên cạnh, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc sa mạc hóa; sử dụng giải pháp tiên tiến bảo vệ nguồn nước, bảo vệ bề mặt của đất. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận các thông tin, kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc.

Ngày Môi trường thế giới 5/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới, đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44.000 tỷ USD). Tần suất, thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6: Đánh giá khu vực đất ô nhiễm để cải tạo, xử lý tại Bình Thuận
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.