Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Người Việt Nam có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Truyền thống ấy đã lưu truyền từ ngàn đời nay. Ta thấy những đình đền thờ thần, thờ những người có công lao với tổ quốc trên khắp dọc mảnh đất hình chữ S. Điều đó thể hiện sự biết ơn của nhân dân ta đối với họ.
Hằng năm, cứ vào dịp mùng 10 tháng Ba âm lịch, cả nước lại nô nức hướng đến Giỗ Tổ Hùng Vương. Triệu trái tim lại hướng về nơi đền thiêng – Đền Hùng, Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng cũng là lễ hội lớn và là lễ hội chung của toàn đất nước được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của con dân Việt Nam với công lao lập nước của các đời vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Người người tham gia lễ hội Giỗ tổ với sự thành kính tôn nghiêm và lòng biết ơn nơi cội nguồn của dân tộc. Vua Hùng là biểu tượng của linh nghiêm và tôn kính. Và dịp này, tất thảy chúng ta đều cùng nhau nhớ rằng, dân tộc này, đất nước này có chung nguồn cội: nguồn cội linh thiêng, thần thánh và gắn bó với toàn dân tộc.
Thực tế lịch sử bao đời nay của dân tộc ta cũng cho thấy, đời nối đời trải mấy nghìn năm, cả nước một lòng, toàn dân đoàn kết. Trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, dân tộc ta đã lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang, hun đúc nên truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường".
Và cũng ngày này, thế hệ chúng ta lại da diết nhớ lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" đồng thời cùng nguyện hứa "tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường". Những thế hệ “con Rồng cháu Tiên” ngày nay chung tâm nguyện và cam kết "ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn; phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp; đoàn kết cả tập thể; nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, cũng như đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra “góp phần đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc", “trở thành một nước thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045”.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước. Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước.