Khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: ấn tượng thu ngân sách địa bàn đạt trên 40 ngàn tỉ đồng.

Hoàng Anh Thắng|12/12/2023 12:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MTCS - Sáng 12/12, tại TP Thanh Hóa đã long trọng diễn ra kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, sẽ xem xét thông qua 11 báo cáo, 35 tờ trình thuộc các lĩnh vực quan trọng liên quan kinh tế, chính trị, an sinh xã hội.

Thể chế hóa chủ trương, đạt nhiều mục tiêu thắng lợi

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo kỳ họp, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, từ đầu năm 2023 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp chuyên đề, thông qua 99 nghị quyết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương. Góp phần đạt nhiều thắng lợi, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh”.

z4966018952703_3117792824210f2fac5bd1f513aa9f6b.jpg
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu  khai mạc kỳ họp

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét 11 báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách năm 2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 35 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.

Căn cứ báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các đại biếu sẽ phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc bất cập; nguyên nhân khách quan và chủ quan; xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024, gắn với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

bien-sam-son-12-02.jpg
Từ những nỗ lực đổi mới, ngành du lịch Thanh Hóa năm 2023 ước đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ

Kỳ họp sẽ thảo luận và thông qua các báo cáo: tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII; thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII; đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh về kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024; báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay; các báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh.

Đặc biệt, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp thu ý kiến cử tri, đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội

Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024. Báo cáo tóm tắt nêu rõ, mặc dù còn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến thực hiện nhiệm vụ năm 2023; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng hoàn thành vượt kế hoạch và tăng khá so với cùng kỳ.

o-thi.jpg
Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023

Hệ thống thể chế được quan tâm chỉ đạo hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn được duy trì; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch; các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều chỉ số phản ánh về cải cách hành chính, quản trị hành chính công của tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nổi bật, Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán giao. Ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

z4966019030930_bf849ba0c36162c53ec396e2af86b99f.jpg
Các đại biểu tham dự kỳ họp

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,67% (công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%; một số cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ, như: điện sản xuất tăng 77,5%, thức ăn gia súc tăng 12,8%, giầy thể thao tăng 6,2%...

Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ 9 khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.

z4966019172752_8e84c1a0061d036a88d6ed72cdd3d5b1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri

Báo cáo đặc biệt quan tâm việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khoáng sản, môi trường; về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị; về cơ chế, chính sách...

Cụ thể, cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị tỉnh xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp trong vùng Di sản Thành Nhà Hồ (được Ban quản lý Thành Nhà Hồ mượn để khai quật, khảo cổ). Sau khi trả lại mặt bằng cho Nhân dân sản xuất, canh tác gặp nhiều khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Lộc chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc trực tiếp với các hộ gia đình, cá nhân để chủ động giải quyết các khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại khu vực nêu trên theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng đất, UBND huyện Vĩnh Lộc hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có văn bản trả lại đất và thực hiện trình tự thu hồi đất khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 65 Luật đất đai năm 2013.

Cử tri huyện Quan Hóa kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện và cấp phép khai thác các mỏ cát trên tuyến sông Luồng huyện Quan Hóa để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ công trình đầu tư công, xây dựng nông thôn mới và nhu cầu của ngươi dân Quan Hóa. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Quan Hóa kiểm tra, rà soát sự phù hợp của khu vực mỏ với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất huyện Quan Hóa được UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tham mưu UBND tỉnh đưa khu vực mỏ vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy định.

Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường 505B, hiện tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục sửa chữa kịp thời các hư hỏng của công trình và thực hiện công tác đảm bảo giao thông trên tuyến; đồng thời, giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường khi có điều kiện về nguồn vốn...

z4966019083113_90906237859aac67946ae7f2ffc567f4.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh truyền tải ý kiến cử tri trong công tác giám sát, phản biện và nguyện vọng quần chúng nhân dân.

Đối với công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.

Theo đó, năm 2023 Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền cùng cấp chủ trì tổ chức 8.390 hội nghị để đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật tại các đơn vị bầu cử; tiếp 2.132 lượt công dân, tiếp nhận 790 đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra, đi vào nền nếp, có chất lượng; trong đó đã chủ trì tổ chức 1.515 cuộc giám sát; tham gia phối hợp 1.048 cuộc giám sát với các cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động phản biện xã hội ngày càng chủ động, thiết thực và hiệu quả.

Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra, đi vào nền nếp, có chất lượng; tập trung giám sát những vấn đề Nhân dân đang quan tâm; đã chủ trì tổ chức 1.515 cuộc giám sát; tham gia phối hợp 1.048 cuộc giám sát với các cơ quan có thẩm quyền; Ban Thanh tra nhân dân giám sát 775 vụ việc, kiến nghị giải quyết 614 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 892 công trình, dự án, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét 741 công trình, dự án có ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã thành lập các Đoàn giám sát, thực hiện giám sát 17 nội dung tại 35 sở, ngành, địa phương trong tỉnh, bảo đảm theo đúng Chương trình giám sát, phản biện xã hội 2023 được Tỉnh ủy phê duyệt. Thực hiện đầy đủ việc báo các kết quả giám sát và ban hành kiến nghị sau giám sát gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Hoạt động phản biện xã hội ngày càng chủ động, thiết thực và hiệu quả; MTTQ các cấp chủ trì tổ chức phản biện xã hội, góp ý đối với 941 cơ chế, chính sách, chương trình, đề án của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì triển khai thực hiện việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 13.500 ý kiến tham gia; tham gia góp ý, tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 30 dự thảo luật, Nghị định của Chính phủ, văn bản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án của HĐND, UBND và các sở, ngành cấp tỉnh. Hầu hết ý kiến phản biện, góp ý của MTTQ được các cơ quan soạn thảo tiếp thu và đánh giá cao.

MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhiều nét mới, tạo không khí đầm ấm, vui tươi, đoàn kết, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; vận động Quỹ vì người nghèo đạt trên 96 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây mới 1.560 căn nhà Đại đoàn kết; vận động được 576.870 suất quà Tết cho người nghèo trị giá 347 tỷ đồng; huy động 152 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các công trình an sinh xã hội...

Cử tri gửi ý kiến, kiến nghị đến Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua UBMTTQ là đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi; đẩy mạnh công nghệ cao, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của nông dân, hàng hóa trên thị trường.

z4966019054776_a8931794ca1113896b9a6675ceb360ec.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Đề nghị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ; tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn trả các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường dân sinh bị hư hỏng do thi công dự án cao tốc tại một số địa phương; quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn các huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; có giải pháp phù hợp, thứ tự ưu tiên tăng nguồn phí đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

z4966019091110_94ec6cba18af0390aabbf2913b2f0148.jpg
Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 11 báo cáo, 35 tờ trình thuộc các lĩnh vực quan trọng liên quan kinh tế, chính trị, an sinh xã hội.

Đáng lưu ý, ở khía cạnh quản lý tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường, cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị HĐND, UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép, sai với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới, nhất là cát, sỏi lòng sông, đá, đất san lấp trên địa bàn tỉnh .
Tiếp tục làm việc với các đơn vị chủ quản để bàn giao diện tích đất của các nông, lâm trường, các công ty về địa phương quản lý. Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở đo đạc địa chính, đặc biệt là đo đạc chia tách đất lâm nghiệp; chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy nhanh việc bồi thường cho người dân khi thu hồi đất thực hiện các dự án. Đánh giá, khảo sát bất cập, ảnh hưởng của dự án truyền tải năng lượng Quốc gia đường dây 500 KV đi qua khu vực trường học của xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc.

Tiếp tục chỉ đạo Công ty Thủy nông sông Chu, các địa phương tuyên truyền cho người dân không xả rác xuống tuyến Kênh Bắc, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương; quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện Thiệu Hóa; nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện Lang Chánh; xem xét về việc nuôi lợn trong nhà cao tầng của Tập đoàn Xuân Thiện không vì lợi ích kinh tế mà làm ảnh hưởng môi trường và phá vỡ cảnh quan khu vực nông thôn tại huyện Ngọc Lặc. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý rác thải tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn.

Bài liên quan
  • Bức tranh môi trường nhiều gam màu sáng của tỉnh Thanh Hóa
    Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đươc thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, với nhiều mô hình khác nhau. Bởi vậy, bức tranh về môi trường của địa phương luôn sáng lên những gam màu mới lạ, đáng được tuyên dương và khích lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: ấn tượng thu ngân sách địa bàn đạt trên 40 ngàn tỉ đồng.