Kiên Giang: Chủ động bảo vệ sản xuất khi nước đầu nguồn đang lên nhanh

Quốc Tuấn|23/07/2018 08:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh những ngày qua gây mưa lớn, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Cụ thể, ngày 17/7, mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,15m, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 0,34m.

Ảnh minh họa

Nhằm bảo vệ sản xuất, Chi cục Thủy lợi cho mở các cống trên tuyến đê biển, hệ thống cống ven sông Cái Bé, đê bao Ô Môn – Xà No, đê bao vùng đệm U Minh Thượng nên kịp thời tiêu úng do mưa lớn trên diện rộng hơn 10 ngày qua. Ngày 20/7, mực nước cao nhất trên kênh Vĩnh Tế tại xã Vĩnh Điều (Giang Thành) lên mức 1,1m cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 0,03m, sau đó ít biến đổi.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dòng chảy thượng nguồn và mưa lớn trên diện rộng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 3, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Dự báo cuối tháng 7/2018, mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức 2,8m (mức báo động I là 3,0m). Mực nước các trạm nội đồng thuộc vùng tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang tiếp tục lên nhanh do mưa lớn tại chỗ.

Tại trạm Tân Hiệp đến cuối tháng 7/2018 ở mức 0,75m, tương đương cùng kỳ năm 2017, cao hơn trung bình nhiều năm 0,2m. Các vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh ngoài đê bao ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương và Hòn Đất có nguy cơ xảy ra ngập úng.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang yêu cầu Chi cục Thủy lợi phối hợp các cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến lũ, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các công trình thủy lợi trong vùng tứ giác Long Xuyên, đảm bảo vệ hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây. Tùy tình hình mực nước, chủ động mở tất cả các cống tại huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá để thoát lũ phục vụ sản xuất.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai phương án phòng, chống lũ cho sản xuất vụ hè thu, thu đông 2018 phù hợp thông tin dự báo và tình hình thực tế tại địa phương, nhằm đảm bảo chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất. Căn cứ tình hình lũ để có tiến độ, giải pháp hợp lý thi công các dự án, công trình trong vùng lỹ để tránh thiệt hại về người và sản xuất. Vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, kê kích vật tư, hàng hóa đảm bảo không bị ảnh hưởng do lũ. Đồng thời, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng có nguy cơ ngập lũ, triển khai gia cố các bờ bao thấp, yếu có nguye cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lỡ. Vận động nhân dân không nên xuống giống lúa vụ thu đông ngoài vùng có bờ bao đảm bảo để tránh thiệt hại.

Ngoài sản xuất lúa vụ thu đông, các địa phương cần lưu ý chủ động đối phó lũ với các diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa mày và vườn cây ăn trái. Các vùng nuôi tôm ở vùng tứ giác Long Xuyên thuộc vùng tập trung thoát lũ; tính toán thời điểm thu hoạch hợp lý và không thả nuôi tiếp tục ngày thời điểm lũ dân cao và khoảng tháng 9, tháng 10/2018.

Quốc Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Chủ động bảo vệ sản xuất khi nước đầu nguồn đang lên nhanh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.