Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi - Giải pháp tất yếu để giảm phát thải khí nhà kính
Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp toàn cầu. Khi nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng, ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ nhưng kéo theo đó là lượng phát thải khí nhà kính ngày một lớn. Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi không chỉ là xu hướng mà đã trở thành giải pháp bắt buộc.
Không để chất thải trở thành gánh nặng
Hằng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25 - 26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Hơn 1 thập kỷ qua, lĩnh vực này duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), riêng lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 33% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Trong đó, chăn nuôi đóng góp tới gần 25% lượng phát thải của toàn ngành nông nghiệp, chủ yếu đến từ chất thải động vật (phát thải CH₄ và N₂O) và phương pháp xử lý chưa tối ưu.
Báo cáo năm 2023 của Cục Chăn nuôi (nay là Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, cả nước hiện có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, tạo ra khoảng 80 triệu tấn chất thải mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ xử lý đạt chuẩn môi trường chỉ khoảng 30%, phần còn lại được xử lý sơ bộ (45%) hoặc thậm chí không được xử lý (25%). Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, với 45% mẫu thịt lợn và 38% mẫu thịt gà tại các chợ truyền thống có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Cùng với đó, việc phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa chưa đồng đều, trong khi hơn 70% quy mô chăn nuôi vẫn ở mức nông hộ nhỏ lẻ, sử dụng phương pháp tuyến tính (sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ), gây áp lực lớn lên môi trường tự nhiên.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do phương thức chăn nuôi chủ yếu vấn là nhỏ lẻ, trong khi đó tổng đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam rất lớn. Bên cạnh đó, do chăn nuôi tự phát còn nhiều, chưa có quy hoạch nên việc xả thải chăn nuôi chưa được quản lý tốt. Về công nghệ chăn nuôi cũng như công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng được tốc độ phát triển chăn nuôi.
Trong khi thực tế chưa có các chính sách cụ thể hoặc có nhưng chưa triển khai được do không phù hợp thực tế để giúp các trang trại chăn nuôi xử lý chất thải. Thị trường tiêu thụ các chế phẩm được xử lý chưa có hệ thống; công tác quản lý, tuyên truyền còn hạn chế, diện tích đất chăn thả hộ gia súc lớn hạn hẹp, không có quy hoạch (nhất là chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu…) khó đầu tư cho việc xử lý chất thải.
Một số nguyên nhân khác như nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó có chăn nuôi của các doanh nghiệp, chủ trang trại, nhất là người nông dân còn chưa đầy đủ. Các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học và công nghệ cao ở Việt Nam hầu hết còn chưa phổ biến, chỉ áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp.
Những ảnh hưởng trực tiếp của các loại chất thải (rắn, lỏng, khí…) từ chăn nuôi làm ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đặc biệt những vùng chăn nuôi lớn, mật độ chăn nuôi cao. Ngoài ra, đây còn là lý do bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh truyền lây giữa người và động vật (bệnh dại, nhiệt thán, cúm, liên cầu khuẩn, uốn ván...) trực tiếp ảnh hưởng đến con người. Bên cạnh đó, chất thải còn gây hiệu ứng nhà kính, nhất là ở các khu đô thị, chung cư hiện nay đang phát triển rất nhanh.
Kinh tế tuần hoàn - “Lối đi xanh” cho ngành chăn nuôi
Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là mô hình sản xuất khép kín, tận dụng chất thải làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất khác như: Phân bón hữu cơ, khí sinh học, thức ăn vi sinh cho cá, giun quế... Qua đó, không chỉ giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, mà còn giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị đầu ra, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Không dừng lại ở hiệu quả môi trường, mô hình tuần hoàn còn tạo ra giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi. Phân hữu cơ, khí biogas, trùn quế hay cá vi sinh – những sản phẩm phụ trong chuỗi tuần hoàn – đều có thể trở thành hàng hóa mang lại nguồn thu mới cho người nông dân. Bên cạnh đó, việc xử lý hiệu quả chất thải giúp hạn chế ô nhiễm, cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ khu vực chăn nuôi.
Kinh tế tuần hoàn - “Lối đi xanh” cho ngành chăn nuôi
Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc nhân rộng các mô hình này không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược dài hạn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh – theo đúng định hướng của ngành nông nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi xanh.
“
Chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Ngành Chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu. Trên toàn thế giới, ngành chăn nuôi đóng góp từ 14-17% phát thải khí nhà kính. Ở Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi đóng góp khoảng 19% trong tổng phát thải của ngành Nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường
Về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhìn nhận ngành chăn nuôi đang có những hạn chế nhất định về vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, kinh tế tuần hoàn sẽ là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sẩm phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...).
Khi “kinh tế không rác thải” không còn là khái niệm xa vời với địa phương
Hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp không còn là khẩu hiệu mà đang được thúc đẩy bằng những mô hình chăn nuôi tuần hoàn vận hành hiệu quả. Sự chuyển mình này góp phần định hình tư duy sản xuất bền vững, mở rộng ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng nông thôn và doanh nghiệp.
Trong đó, có thể kể đến Công ty Cổ phần T&T 159 tại xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Công ty xây dựng khu liên hợp tự thu gom phế, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, với quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại. Để giảm tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Công ty Cổ phần T&T 159 đã xử lý phế thải trong chăn nuôi; tự sản xuất đệm lót sinh học từ vỏ cây, mùn cưa, lá khô... nghiền nát; đưa các chủng vi sinh hữu ích vào sản xuất đệm lót sinh học. Hằng năm, Công ty sử dụng được 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Và cũng từ nguồn chất thải chăn nuôi này, Công ty đã sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/năm, cung cấp ra thị trường phục vụ trồng trọt.
Tại Hà Nam, Hợp tác xã Thắng Lợi (huyện Kim Bảng) đã đầu tư hệ thống hầm biogas hiện đại kết hợp với công nghệ phân tách chất thải rắn – lỏng ngay tại trang trại nuôi lợn. Chất thải sau xử lý được sử dụng để sản xuất phân hữu cơ và tạo ra điện sinh học phục vụ vận hành trang trại.
Nhờ đó, chi phí điện giảm khoảng 25%, đồng thời mùi hôi gần như được triệt tiêu, cải thiện rõ rệt môi trường sống xung quanh và giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm nước ngầm. Đây là minh chứng điển hình cho thấy chăn nuôi có thể “sạch” và “xanh” nếu được đầu tư bài bản theo hướng tuần hoàn.
Còn ở Thái Bình, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng mạnh dạn chuyển đổi theo hướng tích hợp chăn nuôi – trồng trọt. Tiêu biểu là mô hình tận dụng chất thải chăn nuôi bò để nuôi giun quế. Giun trở thành nguồn thức ăn giàu đạm cho gà, vịt, cá; còn phân giun và phân chuồng hoai mục được dùng để bón cho cây trồng, giảm mạnh lượng phân hóa học. Nhờ tính tuần hoàn khép kín, mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, mà còn nâng cao giá trị kinh tế tổng thể trên cùng một đơn vị diện tích.
Không chỉ ở quy mô hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp cũng đang tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn. Tại các trang trại bò sữa của TH true MILK ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), toàn bộ nước thải chăn nuôi được xử lý qua hệ thống lọc sinh học ba cấp, sau đó tái sử dụng để tưới cho đồng cỏ. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm nước, giảm thiểu xả thải mà còn góp phần duy trì độ ẩm và dinh dưỡng cho thảm thực vật. Tương tự, Vinamilk và Ba Huân cũng đã tích cực áp dụng công nghệ xử lý chất thải, tái sử dụng phụ phẩm, biến rác thải thành tài nguyên để vận hành các trang trại theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như Dabaco, CP Việt Nam, Mavin cũng đang đẩy mạnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Tại các trang trại chăn nuôi lợn, chất thải hữu cơ được đưa vào hầm biogas để tạo khí đốt phục vụ nấu ăn, sưởi ấm chuồng trại hoặc phát điện, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng.
Ngoài ra, nhiều loại phụ phẩm như lông, da, sừng, móng… sau giết mổ được tái chế thành nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón hoặc sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhờ tận dụng triệt để nguồn tài nguyên đầu ra, các doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý, mà còn tối ưu hóa giá trị kinh tế trong từng khâu vận hành – đúng tinh thần “không bỏ phí bất cứ thứ gì”.
Những mô hình kể trên không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính một cách thiết thực, mà còn khẳng định rằng chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là hoàn toàn khả thi – kể cả với hộ nhỏ lẻ nếu được hỗ trợ đúng hướng.
Không dừng lại ở các giải pháp thủ công hay xử lý thô sơ, nhiều trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi hiện nay đang từng bước “nâng cấp” mô hình kinh tế tuần hoàn bằng công nghệ hiện đại. Ứng dụng công nghệ sinh học giúp tăng tốc quá trình phân hủy chất thải hữu cơ, tạo ra phân bón vi sinh chất lượng cao và khí sinh học ổn định hơn.
Song song, hệ thống cảm biến IoT (Internet vạn vật) được tích hợp trong các hầm biogas, bể chứa hay hệ thống xử lý chất thải cho phép giám sát liên tục các thông số như nhiệt độ, độ pH, áp suất khí... Qua đó, người vận hành có thể điều chỉnh quy trình xử lý một cách chính xác, giảm rủi ro phát thải vượt ngưỡng, đồng thời tối ưu sản lượng khí và phân hữu cơ.
Kết quả nhận diện khuôn mặt vật nuôi
Đặc biệt, tại một số mô hình tiên tiến, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng để phân tích dữ liệu đầu vào – đầu ra, dự báo hiệu quả tuần hoàn trong từng giai đoạn chăn nuôi. Kết quả là toàn bộ hệ sinh thái sản xuất trở nên khép kín, thông minh hơn, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải rõ rệt.
Việc đưa công nghệ vào kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp minh bạch hóa quy trình, mà còn mở ra hướng đi lâu dài cho sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh – sạch – bền vững. Đây được xem là “cánh tay nối dài” quan trọng để mô hình này lan rộng và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Rào cản cần tháo gỡ
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn chưa được nhân rộng tương xứng với tiềm năng. Trên thực tế, nhiều địa phương và nông hộ vẫn gặp phải không ít trở ngại trên hành trình triển khai và duy trì mô hình này một cách bền vững.
Thứ nhất, rào cản về vốn đang là thách thức lớn nhất. Việc đầu tư hệ thống biogas, máy tách chất thải rắn – lỏng, hầm ủ vi sinh hay thiết bị xử lý nước thải đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể. Đối với các nông hộ nhỏ lẻ – vốn là lực lượng chiếm đa số trong ngành chăn nuôi Việt Nam – việc tiếp cận tín dụng xanh hoặc các nguồn hỗ trợ tài chính ưu đãi hiện vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ khiến khả năng thu hồi vốn chậm, làm giảm động lực đầu tư vào mô hình tuần hoàn.
Theo nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp bền vững tại Việt Nam hiện nay của ThS Phạm Tuyên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có 65% hộ nông dân không đủ khả năng tài chính để chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn. Chi phí đầu tư ban đầu cao, khoảng 150-200 triệu đồng/ha để chuyển đổi từ canh tác tuyến tính sang mô hình tuần hoàn. Trong khi đó, các cơ chế tín dụng ưu đãi còn hạn chế, chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu vốn của người dân.
Thứ hai, về thị trường và chuỗi giá trị, một trong những nguyên lý cốt lõi của kinh tế tuần hoàn là tạo ra vòng tuần hoàn khép kín giữa các khâu: Chăn nuôi - trồng trọt - chế biến - tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều mô hình vẫn hoạt động rời rạc, thiếu sự phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Phân bón hữu cơ sau xử lý khó tìm được đầu ra ổn định, phụ phẩm chưa được tái sử dụng hiệu quả, dẫn đến lãng phí tài nguyên và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Việc thiếu doanh nghiệp “đầu kéo” dẫn dắt, kết nối thị trường và công nghệ cũng khiến mô hình tuần hoàn khó phát triển bền vững.
Thứ ba, về nhận thức và năng lực của người dân, ở nhiều vùng nông thôn, tư duy sản xuất theo hướng truyền thống vẫn phổ biến. Không ít nông hộ vẫn ngần ngại thay đổi thói quen canh tác đã tồn tại nhiều năm, e sợ mô hình tuần hoàn phức tạp, khó vận hành, hoặc lo ngại không mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ tại cơ sở còn thiếu chiều sâu, khiến người dân chưa hiểu đúng, đủ về lợi ích dài hạn của mô hình.
Thứ tư, về khung pháp lý và chính sách, mặc dù đã có các văn bản định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, tuần hoàn, song chính sách cụ thể để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn chưa rõ nét. Các chương trình hỗ trợ còn dàn trải, manh mún, thiếu trọng tâm. Đặc biệt, chưa có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ như ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng, hay định mức kỹ thuật rõ ràng để đánh giá hiệu quả giảm phát thải của các mô hình. Điều này khiến cả nông dân và doanh nghiệp lúng túng trong việc triển khai và nhân rộng.
Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp bền vững tại Việt Nam hiện nay của ThS Phạm Tuyên cũng chỉ ra: Hiện, mới chỉ có 30% số tỉnh thành có quy hoạch cụ thể về phát triển KTTH trong nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư. Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến KTTH còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trí Công, điểm nghẽn hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chính là việc lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.
Ông dẫn chứng chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng lại không có đồng cỏ do đó dẫn tới nhu cầu tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… thì việc vận chuyển lại vướng bởi đó được coi là chất thải theo Luật Môi trường.
Thứ năm, về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, phân loại và xử lý chất thải chăn nuôi còn thiếu và yếu. Hiện nay, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, phân loại và xử lý chất thải chăn nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn cho việc áp dụng các quy trình xử lý tuần hoàn hiện đại.
Đặc biệt, các khu vực chăn nuôi tập trung nhỏ lẻ, phân tán thường không có hệ thống xử lý chất thải tập trung, buộc các hộ phải tự xử lý theo phương pháp thủ công, manh mún. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu xử lý không đúng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái hỗ trợ phát triển KTTH còn thiếu vắng các trung tâm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật chuyên biệt. Sự thiếu hụt các đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị tách phân, xử lý khí sinh học, hay chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng khiến người chăn nuôi gặp khó trong việc tiếp cận giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.
Rõ ràng, nếu không đầu tư bài bản cho hạ tầng kỹ thuật, các mô hình KTTH trong chăn nuôi khó có thể phát huy được hết tiềm năng và lan tỏa bền vững trong cộng đồng. Đây là bài toán cấp thiết mà các cấp chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp cần bắt tay cùng tháo gỡ.
Cần chính sách “mở đường”, tư duy “kết nối”
Chia sẻ về định hướng phát triển xanh trong ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&MT cho biết: Sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các Bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&MT đã triển khai chương trình, kế hoạch rất đồng bộ.
Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, các thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án trọng tâm của Chiến lược. Đề án đòi hỏi các địa phương tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển chăn nuôi phát triển hiệu quả, bao gồm vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Về mục tiêu trên, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách NN&MT nhấn mạnh, chuyển đổi xanh đang là xu hướng không thể đảo ngược hiện nay trên toàn thế giới. Trong xu thế hiện nay, các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, trách nhiệm minh bạch và bền vững được coi là những giải pháp then chốt, góp phẩn thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này càng quan trọng đối với ngành chăn nuôi, vốn là một trong những nguồn gây ra phát thải khí nhà kính lớn.
Để mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi không chỉ dừng lại ở những bản kế hoạch, đề án trên giấy, mà thực sự lan tỏa và bén rễ sâu trong đời sống sản xuất, đòi hỏi phải có sự thay đổi đồng bộ cả về chính sách, tư duy và hành động.
Trước hết, cần thiết lập cơ chế tài chính ưu đãi, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ - đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại ít có khả năng tiếp cận vốn vay.
Các hình thức tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất, cho vay thiết bị xử lý chất thải hoặc đầu tư hệ thống biogas cần được đơn giản hóa thủ tục, tăng khả năng tiếp cận thực tế. Cơ chế tài chính ưu đãi cho các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, đặc biệt là hộ quy mô nhỏ.
Song song với đó, cần chú trọng đào tạo và tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân hiện vẫn chưa hiểu rõ các khâu xử lý chất thải, quy trình khép kín hay điều kiện đảm bảo an toàn sinh học. Việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở, kết hợp với tài liệu truyền thông dễ hiểu sẽ là bước then chốt giúp người dân thay đổi tư duy và hành động.
Theo đó, cần xây dựng các chương trình đào tạo tổng thể với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 20% kỹ sư nông nghiệp được đào tạo chuyên sâu về KTTH. Đối với nông dân, việc đào tạo 500.000 người/năm sẽ được thực hiện thông qua mạng lưới khuyến nông và các trung tâm học tập cộng đồng. Đặc biệt quan trọng là việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn KTTH tại mỗi địa phương để hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên cho người dân.
Mặt khác, việc xây dựng các mô hình điểm và cụm liên kết giữa chăn nuôi – trồng trọt – chế biến theo hướng tuần hoàn cần được thúc đẩy. Không chỉ là nơi “làm mẫu”, các mô hình này còn đóng vai trò như những trung tâm lan tỏa tri thức, giúp người dân thấy rõ lợi ích kinh tế – môi trường – xã hội để chủ động học hỏi và nhân rộng. Theo đó, vai trò kết nối của các hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Về giải pháp công nghệ và hạ tầng kỹ thuật, cần tập trung vào phát triển ba nhóm công nghệ chính: Công nghệ biogas cải tiến với hiệu suất chuyển hóa khí đạt trên 85%, công nghệ ủ phân compost tự động có khả năng xử lý 5-10 tấn nguyên liệu/ngày và hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn cho các trang trại quy mô vừa và lớn. Việc xây dựng các trung tâm công nghệ KTTH tại mỗi vùng nông nghiệp trọng điểm là cần thiết để tạo điều kiện cho việc chuyển giao và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ vào giám sát phát thải và quản lý chất thải cũng là một hướng đi tất yếu. Các giải pháp chuyển đổi số như cảm biến IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm theo dõi lượng khí thải hay nhật ký chăn nuôi số… không chỉ giúp kiểm soát tốt quy trình mà còn là cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa sản xuất và thu hút thị trường tiêu dùng xanh.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là công tác truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Cần triển khai chiến lược truyền thông đa kênh, tập trung vào ba nhóm thông điệp chính: Lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường và chia sẻ mô hình thành công. Đối với nông dân, ưu tiên các hình thức truyền thông trực tiếp như hội thảo đầu bờ và tham quan mô hình điểm. Với doanh nghiệp, tổ chức các diễn đàn chuyên đề và hội nghị xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các kênh truyền thông số như ứng dụng di động về KTTH trong nông nghiệp, với mục tiêu đạt 1 triệu người dùng vào năm 2025.
Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi không chỉ là một hướng đi, mà là lối thoát quan trọng cho ngành nông nghiệp trước thách thức biến đổi khí hậu. Đó là nơi mà tài nguyên không bị lãng phí, chất thải trở thành tài sản, và sản xuất gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Muốn đạt phát thải ròng bằng “0” như cam kết tại COP26, Việt Nam không thể bỏ qua “chìa khóa” kinh tế tuần hoàn – nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. Điều cần nhất hiện nay là hành động thống nhất giữa chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân, để mở ra tương lai phát triển xanh, sạch và bền vững cho nông nghiệp nước nhà.
Ngành chăn nuôi hiện nay đang chịu áp lực ngày càng lớn từ về việc giảm thiểu lượng khí thải và chuyển sang các phương thức sản xuất bền vững hơn. Đây không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn liên quan đến sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Vì lợi nhuận trước mắt mà không ít người dùng mọi thủ đoạn để san lấp trái phép đất nông nghiệp mà không biết rằng việc dùng trạc thải, xà bần và thậm chí là rác thải để san lấp mặt bằng khiến đất nông nghiệp bị hủy hoại, kéo theo những hệ lụy không nhỏ về môi trường.
Xử lý chất thải y tế luôn là vấn đề cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Với tính chất đặc thù, loại chất thải này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm mà còn chứa nhiều thành phần độc hại, đòi hỏi một hệ thống pháp lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả.
Bắc Trung Bộ – vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trở thành xu thế tất yếu, khu vực này đứng trước nhiều thách thức. Vậy đâu là giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh tại Bắc Trung Bộ, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu?
Đối với khu vực Bắc Trung Bộ, chuyển đổi xanh không chỉ là giải pháp để ứng phó với các thách thức về môi trường, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế bền vững và tạo ra những giá trị mới.
Bắc Trung Bộ đang đứng trước cơ hội bứt phá với các giải pháp chuyển đổi xanh nhằm giảm thiểu tác động môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sạch đến du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo, khu vực này từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển bền vững.
Chất thải y tế là một trong những nguồn thải nguy hại, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi ngày hệ thống y tế trên cả nước phát sinh khoảng 400 - 600 tấn chất thải y tế, trong đó có khoảng 20-25% là chất thải nguy hại.
Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi không chỉ là xu hướng mà đã trở thành giải pháp bắt buộc.
Chuyên gia địa chất cảnh báo, các vụ động đất và dư chấn lớn ở Myanmar có thể 'đánh thức' nhiều đới đứt gãy địa chất ở Việt Nam trong tương lai, cần cảnh giác.
Sau 1 năm triển khai Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ bước vào đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên trong năm 2025, dự kiến bắt đầu từ ngày 18/4.
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong quý I/2025, thiên tai đã khiến 5 người chết và mất tích, 6 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 14,2 tỷ đồng.
Bộ Nội vụ đề xuất tên đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập được đặt theo tên của một trong các đơn vị trước sắp xếp phù hợp định hướng được cấp thẩm quyền phê duyệt.