Biến đổi khí hậu

La Nina và những tác động đến Việt Nam - Bài 2: Vì sao sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở vùng núi phía Bắc?

Lương Nguyễn - Thu Trinh 10:13 06/09/2024

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại 2.000 tỉ đồng. Riêng tháng 7 vừa qua, mưa lũ, sạt lở đất đã làm hơn 40 người chết và mất tích. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

Mưa lớn dồn dập kéo dài nhiều ngày, tình trạng sạt lở đất, đá ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc làm ách tắc giao thông, thiệt hại lớn về người và tài sản.

img_8277.jpeg
Sạt lở đất liên tiếp ở các tỉnh miền núi phía Bắc khiến nhiều người thương vong

Nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra

Trước tình hình sạt lở đất xảy ra liên tiếp trên cả nước những ngày qua, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc đáng lo ngại. Trong đó điển hình là vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách ở tỉnh Hà Giang sáng 13/7 làm 11 người chết, 4 người bị thương và vụ sạt lở đất ở tỉnh Lâm Đồng trưa 15/7 vùi lấp 1 căn nhà và 1 người tử vong.

Tiếp đó, liên tiếp trong các ngày 4-5/8 xảy ra sạt lở ở Lạng Sơn và Sơn La. Cụ thể, sáng ngày 4/8, một vụ sạt lở đất đã vùi lấp hai vợ chồng khiến họ tử vong ở xã Tân Thành, Cao Lộc, Lạng Sơn. Ngày 5/8, gia đình anh M.A.S. (xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đang ngủ say thì bất ngờ đất đá từ trên cao sạt xuống vùi lấp nhà. Vụ sạt lở đất đá khiến con gái anh S. là cháu M.T.T.M. (6 tháng tuổi) tử vong tại chỗ, anh S. và vợ bị thương được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay sau đó.

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 28/7 đến ngày 5/8, mưa lũ, sạt lở đất đã khiến 16 người tử vong trong đó riêng ngày 4-5/8 có 5 người tử vong do sạt lở.

Đêm 13/8 nhiều khu vực tại miền Bắc có mưa to tới rất to. Sạt lở lại xảy ra ở nhiều nơi thuộc Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng,... Do mưa lớn dồn dập, sạt lở lại tiếp tục xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, có khoảng 11 điểm sạt lở ở các tuyến đường xã với khối lượng đất đá khoảng 1000 m3 và 2 cống qua đường bị nước cuốn trôi.

Tại Sơn La, dốc Cao Pha đoạn qua xã Mường Bú, huyện Mường La bị sạt trượt đất đá gây ách tắc giao thông.

Tại khu vực Quang Trung thuộc thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng cũng ghi nhận sạt lở cục bộ tại các tuyến đường gây cản trở giao thông.

Cũng theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại 2.000 tỉ đồng. Riêng tháng 7 vừa qua, mưa lũ, sạt lở đất đã làm hơn 40 người chết và mất tích.

img_8278.jpeg
Trong tháng 7 và tháng 8 xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, đá ở khu vực miền núi phía Bắc

Dấu hiệu nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: Mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.

Sạt lở bao gồm 5 dạng dịch chuyển theo độ dốc: Sụt lún, lật, trượt, lan rộng và chảy. Địa chất, hình thái và hoạt động của con người được cho là 3 nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất. Địa chất đề cập đến các đặc tính của vật chất. Đất hoặc đá có thể yếu hoặc nứt nẻ, hoặc các địa tầng khác nhau có thể có độ cứng và độ bền khác nhau. Hình thái nói đến cấu trúc của đất. Thí dụ, các sườn dốc bị mất thảm thực vật do cháy hoặc hạn hán sẽ dễ bị sạt lở hơn. Thảm thực vật giữ cho đất không bị xô lệch; và nếu không có hệ thống rễ cây, bụi rậm và các loại thực vật khác, đất có nhiều khả năng bị trượt đi.

Các hoạt động của con người như nông nghiệp và xây dựng có thể làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Tưới tiêu, phá rừng, đào xới và rò rỉ nước là một số hoạt động phổ biến có thể gây mất ổn định hoặc làm suy yếu độ dốc của đất.

img_8279.jpeg
Đường trơn trượt lan rộng cũng là dấu hiệu của sạt lở

Nguyên nhân sạt lở tại khu vực miền núi phía Bắc

Nhiều ý kiến cho rằng mưa lớn kéo dài và hoạt động của con người là 2 tác động lớn nhất khiến tình hình sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực miền núi phía Bắc càng nghiêm trọng hơn.

img_8280.jpeg
Mưa lũ, thiên tai là một trong hai nguyên nhân được các chuyên gia đề cập gây sạt lở đất đá

Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tại cuộc họp “Đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc”, đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết: Một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất tại một số tỉnh ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc là do mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dầy lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá huỷ kết cấu khi bão hòa nước, nên khu vực này dễ bị trượt sạt.

Đối với sạt lở đất ở quy mô nhỏ thì xảy ra khá nhiều do đặc điểm địa hình chia cắt, chúng ta chưa thể thực hiện đo đạc đánh giá địa chất được tất cả các điểm như vậy, hiện nay ngành KTTV đang thực hiện khoanh vùng cảnh báo khi có mưa lớn, đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chi tiết đến điểm có nguy cơ sạt lở để người dân phòng tránh.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây kích hoạt các hoạt động trượt lở đất đá xảy ra tại các khu vực miền núi là mưa lớn. Nhưng mưa lớn chỉ là yếu tố kích hoạt, việc có xảy ra sạt lở đất hay không còn tùy thuộc vào tính chất địa hình, độ dốc, địa chất ở nơi khác nhau. Từ đó, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất đề nghị phải nghiên cứu cụ thể ngưỡng mưa kích hoạt trượt lở cho từng khu vực, từng loại đất đá tùy theo độ thấm nước, mức độ bão hòa chảy nhão, thảm phủ thực vật,...

Phòng, chống thiên tai hạn chế hậu quả các vụ sạt lở đất, đá

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sạt lở đất liên quan đến cường độ mưa, dòng chảy, thảm thực vật… với tác động của con người. Chẳng hạn, việc xây dựng những công trình lớn như thủy điện trên lưu vực các con sông ở miền Trung dù muốn hay không cũng đã gây ảnh hưởng tới rừng, tới thảm thực vật, làm mất khả năng giữ nước. Vì vậy, khi triển khai dự án ở thượng nguồn, cần phải tính toán một cách tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm nhẹ thiên tai.

Chuyên gia đề xuất giải pháp xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Nhà chức trách cũng cần xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư.

Một giải pháp khác là thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.

img_8306.jpeg
Cần chằng chống nhà cửa hoặc sơ tán dân tới nơi an toàn, hạn chế hậu quả do mưa lũ, sạt lở gây ra

TS. Lê Xuân Thái – Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: Nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá do nguyên nhân mưa lớn, thiên tai, bão lũ, đặc biệt trong thời kỳ La Nina hoạt động mạnh, cơ quan khí tượng thủy văn thường xuyên, liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ và sạt lở để người dân, ngành chức năng và chính quyền có biện pháp ứng phó kịp thời như:

- Chuẩn bị vật dụng cần thiết bao gồm dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men và các vật dụng thiết yếu để sử dụng trong trường hợp xảy ra thiên tai.

- Kiểm tra và sửa chữa nhà cửa, đảm bảo mái nhà, cửa sổ, cửa ra vào được gia cố chắc chắn để chống lại gió mạnh và mưa lớn.

- Lập kế hoạch sơ tán: Xác định các tuyến đường an toàn và điểm tập kết trong trường hợp phải sơ tán do lũ lụt hoặc các nguy cơ khác.

Đối với nông dân và người làm nông nghiệp: Cần điều chỉnh kế hoạch trồng trọt: Chọn giống cây trồng chịu hạn hoặc chịu ngập tốt hơn tùy theo dự báo thời tiết; Quản lý nguồn nước bằng việc Lập kế hoạch tưới tiêu hợp lý để đối phó với tình trạng mưa lớn, hạn chế nguy cơ trượt lở đất; Bảo vệ đất trồng: Sử dụng các biện pháp như phủ rơm, làm rãnh thoát nước để bảo vệ đất và cây trồng.

Đối với cộng đồng và chính quyền địa phương: Lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp: Phát triển các kế hoạch và quy trình ứng phó khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân; Cải thiện cơ sở hạ tầng đầu tư vào hệ thống thoát nước, đê điều và các công trình phòng chống thiên tai khác; Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng: Tăng cường ý thức về hiện tượng La Nina và cách phòng ngừa thông qua các chương trình giáo dục và truyền thông.

Cùng quan điểm trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, nhờ vào công tác dự báo ngày càng chính xác, Việt Nam có thể chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó để giảm thiểu tác động của La Nina, đặc biệt là trong việc đối phó với thiên tai, bão lũ bất thường và phức tạp.

Cảnh báo và thông tin kịp thời: Cảnh báo sớm: Khi có dự báo về La Nina, các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo sớm cho các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, giúp chính quyền địa phương và người dân chuẩn bị trước các biện pháp phòng chống; Phổ biến thông tin: Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, đài phát thanh, tin nhắn SMS, và mạng xã hội để truyền tải thông tin kịp thời về các đợt bão, lũ, và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão: Kiểm tra và gia cố cơ sở hạ tầng: Chính quyền địa phương thường tổ chức kiểm tra, gia cố các công trình phòng chống lũ lụt như đê điều, cống thoát nước, hồ chứa nước, và các công trình trọng yếu khác trước khi mùa mưa bão đến; Dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm: Đối với những vùng có nguy cơ bị cô lập do lũ lụt, chính quyền địa phương tổ chức dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, và các vật tư y tế cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân trong thời gian bị ảnh hưởng; Di dời dân cư: Lập kế hoạch và triển khai di dời dân cư khỏi những khu vực nguy hiểm như vùng trũng, ven sông, suối, hoặc những nơi có nguy cơ sạt lở đất trước khi thiên tai xảy ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
La Nina và những tác động đến Việt Nam - Bài 2: Vì sao sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở vùng núi phía Bắc?