Lần đầu tiên trong lịch sử, san hô ở phía Bắc Biển Đỏ bị tẩy trắng

Hoàng Thơ |07/11/2024 18:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lần đầu tiên trong lịch sử, san hô ở vùng vịnh Aqaba (phía Bắc Biển Đỏ) mất đi màu sắc tự nhiên. Điều này đã rấy lên báo động về sự ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái biển.

Cơ quan Thiên nhiên và Công viên Israel (NPA) ngày 5/11 cho biết, các nhà nghiên cứu và nhà sinh thái học đại dương của nước này đã phát hiện hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng tại vùng vịnh Aqaba, nằm ở phía Bắc Biển Đỏ, ngoài khơi thành phố Eilat (Israel).

Trên tạp chí Ecology and Environment, các nhà khoa học thuộc NPA và Viện Nghiên cứu biển liên đại học tại Eilat đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, san hô ở vùng vịnh Aqaba mất đi màu sắc tự nhiên do nhiệt độ nước biển tăng cao kỷ lục trong mùa hè vừa qua. Đây là hậu quả trực tiếp của đợt nắng nóng cực đoan, khi nhiệt độ nước đạt 31,9 độ C, với nhiệt độ cao nhất mỗi ngày vượt qua 30 độ C liên tiếp trong suốt hai tháng mùa hè.

san-ho-2_1715140172.jpg
Ảnh minh họa

Theo các nhà nghiên cứu, san hô ở vịnh Aqaba từ lâu đã nổi tiếng với khả năng chịu đựng nhiệt độ nước biển cao hơn bình thường, nhờ vào quá trình chọn lọc tự nhiên qua hàng thế kỷ. Vị trí của vịnh Aqaba tại eo biển Bab el-Mandab, cửa ngõ giữa Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, đã giúp san hô ở đây phát triển khả năng chống chịu nhiệt độ cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong mùa hè vừa qua, các rạn san hô ở Eilat đã phải đối mặt với mức nhiệt tích lũy cao hơn gấp 3,75 lần so với ngưỡng gây ra các sự kiện tẩy trắng nghiêm trọng tại các rạn san hô khác trên toàn cầu.

Điều này có nghĩa là dù san hô tại vịnh Aqaba vốn có sự kiên cường tự nhiên, nhưng mức độ nhiệt độ cao đột ngột đã vượt quá giới hạn mà chúng có thể chịu đựng. Đây là một dấu hiệu đáng báo động, vì nó cho thấy dù có sự thích nghi lâu dài, các rạn san hô này cũng không thể miễn dịch hoàn toàn với những biến động của khí hậu.

Hiện nay, Cơ quan Thiên nhiên và Công viên Israel (NPA) đã bắt đầu triển khai các cuộc khảo sát nhằm đánh giá mức độ tẩy trắng của san hô và theo dõi quá trình phục hồi cũng như tỷ lệ tử vong của các rạn san hô bị ảnh hưởng. Việc này sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để các nhà khoa học đưa ra các biện pháp bảo vệ và phục hồi môi trường biển trước tác động của biến đổi khí hậu.

Biển Đỏ, đặc biệt là khu vực vịnh Aqaba, từ lâu đã được biết đến với hệ sinh thái biển vô cùng phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật biển độc đáo. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ không kiểm soát, đặc biệt là các đợt nóng cực đoan như trong mùa hè vừa qua, đã và đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sự sống còn của các loài san hô, đồng thời ảnh hưởng đến cả các sinh vật biển khác.

Những nghiên cứu này không chỉ là lời cảnh báo đối với Biển Đỏ mà còn là tín hiệu đáng lo ngại cho các hệ sinh thái biển trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu đang dần thay đổi các điều kiện môi trường sống, đẩy các loài san hô và sinh vật biển vào tình trạng nguy hiểm. Sự tẩy trắng san hô có thể là dấu hiệu của những thay đổi lớn hơn, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn biển, hệ sinh thái biển và thậm chí cả các ngành nghề phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này.

San hô là loài động vật biển không xương sống, tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ giống hải quỳ. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo, theo đó tảo có được nơi trú ẩn từ san hô, trong khi san hô chiếm lấy một phần năng lượng mà tảo khai thác từ ánh nắng Mặt Trời thông qua quá trình quang hợp. Khi nhiệt độ đại dương quá cao, chẳng hạn như trong các đợt nắng nóng tấn công các khu vực từ Florida (Mỹ) đến Australia trong năm qua, san hô sẽ đẩy tảo ra ngoài và chuyển sang màu trắng, một hiện tượng được gọi là "tẩy trắng" khiến chúng dễ mắc bệnh và có nguy cơ chết dần. Điều này làm giảm khả năng sinh tồn của san hô, đồng thời làm suy yếu hệ sinh thái biển vốn rất phong phú và đa dạng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lần đầu tiên trong lịch sử, san hô ở phía Bắc Biển Đỏ bị tẩy trắng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.